Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest, thông thường một dự án bất động sản cần tới 38 – 40 con dấu, mất đến 377 ngày mới hoàn thành thủ tục pháp lý.
Doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức
Chia sẻ mới đây tại diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật Việt Nam” năm 2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, lĩnh vực bất động sản có thủ tục phức tạp hơn so với nhiều ngành nghề khác, bị điều phối bởi khoảng 15 luật khác nhau. Vấn đề tồn tại sự thiếu thống nhất của các luật trước đây khiến thủ tục pháp lý dự án thường kéo dài nhiều năm.
Trong đó, đơn cử như để đối thoại được với người dân để giải phóng mặt bằng, phải làm những thủ tục, rồi vận động người dân, địa phương đối thoại, phải đủ 60 ngày mới được thực hiện. “Có dự án của chúng tôi thậm chí phải trải qua 177 bước, kéo dài 360 ngày mới đủ điều kiện đối thoại trước khi cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Do vậy, giải phóng mặt bằng đang là gánh nặng mà doanh nghiệp bất động sản phải chịu”, ông Hiệp cho biết.
Cũng theo Chủ tịch GP Invest, thông thường một dự án bất động sản cần tới 38 – 40 con dấu. Đặc biệt, gần như mọi dự án bất động sản đều phải điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thực hiện. Nhưng bất kỳ một điều chỉnh nào cũng đều phải xin đủ ý kiến các bên liên quan, rồi sau đó lại tiếp tục xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và công sức.
“Ví dụ dự án của chúng tôi chỉ nhích ra một tí hay chỉnh con đường tránh ống cống một tí cũng phải xin điều chỉnh quy hoạch và phải lên tới cấp cao nhất của địa phương. Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp nước ngoài than vãn thủ tục đầu tư tại Việt Nam như mê hồn trận, họ không dám vào mà phải hợp tác với một doanh nghiệp trong nước để họ làm giúp”, ông Hiệp cảm thán.
Phân cấp thẩm quyền, cải cách thủ tục hành chính là giải pháp
Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian đồng thời nên có có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cũng ghi nhận thực trạng này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho rằng quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch.
Liên quan đến các đề xuất trên, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu.
Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động.