Thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là đại lý nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu mà các doanh nghiệp đầu mối áp dụng, thường chỉ dao động 500-700 đồng/lít, không đủ bù đắp chi phí hoạt động (thông tin vừa đăng trên báo SGGP).
Cách đây 2 năm, cũng chính từ tình trạng này dẫn đến nhiều đại lý không nhập hàng, hậu quả thị trường xăng dầu hỗn loạn, người tiêu dùng phải thức thâu đêm rồng rắn xếp hàng chờ đổ xăng dầu.
Để tránh tái diễn tình trạng này, trong dự thảo nghị định mới nhất thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực, Bộ Công thương đề ra giải pháp là bỏ giá trần – theo hướng không hoàn toàn là “thả nổi” giá, nhưng cho phép doanh nghiệp đầu mối và phân phối tự điều chỉnh giá bán dựa trên chi phí nhập khẩu và biến động của thị trường.
Chính sách bỏ giá trần không phải là không rủi ro. Thực tế, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động mạnh, các doanh nghiệp đầu mối có thể tăng giá bán lẻ trong nước để đối phó với chi phí nhập khẩu tăng.
Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả từ Nhà nước, doanh nghiệp đầu mối có thể tăng giá bán lẻ mà không nhất thiết phải tăng chiết khấu tương ứng cho đại lý bán lẻ. Khi đó, các đại lý bán lẻ vẫn đối mặt nguy cơ phải ngừng hoạt động, dẫn đến tình trạng mất ổn định trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dù cơ chế thị trường được mở rộng, nhưng không có nghĩa là Nhà nước sẽ hoàn toàn bỏ kiểm soát. Quan điểm là từng bước giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh.
Yếu tố quan trọng khác là tăng cường tính minh bạch trong kê khai giá. Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá bán và thông báo cho cơ quan chức năng, giúp Nhà nước dễ dàng giám sát và can thiệp khi cần thiết. Điều này giúp tránh việc các doanh nghiệp đầu mối lợi dụng cơ chế để thao túng giá, đồng thời lợi ích của người tiêu dùng không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Để đảm bảo sự bền vững của cả hệ thống phân phối xăng dầu, một trong những giải pháp cần thiết là thiết lập mức chiết khấu tối thiểu giúp các đại lý bán lẻ không bị thua lỗ.
Trong những giai đoạn khó khăn, các chính sách hỗ trợ tài chính như giảm thuế hoặc trợ cấp vừa có thể giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua thách thức và tiếp tục duy trì hoạt động, vừa đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.