Ngành vận tải hàng không đang hướng tới phát triển bền vững, những sáng kiến tiên tiến nhằm đạt mục tiêu “net-zero” trong tương lai thu hút được nhiều sự chú ý.
Bà Kawal Preet – Chủ tịch FedEx khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng không trên toàn cầu ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Tại châu Á, xu hướng tăng trưởng càng rõ rệt hơn, khi ngành vận tải hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 17,8% so với cùng thời điểm năm 2023.
Các tuyến đường giao thương chính ở châu Á tiếp tục hoạt động sôi nổi. So với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu vận chuyển qua tuyến châu Phi – châu Á tăng 40,6%. Các tuyến châu Âu – châu Á, châu Á và Trung Đông – châu Á lần lượt tăng 20,4%, 19,2% và 18,6%, đồng thời năng lực vận tải cũng đã tăng 8,4%. Một mô hình phát triển kinh tế mới đang hình thành một cách nhanh chóng với động lực chính là sự tăng trưởng thương mại.
“Những thống kê trên cho thấy, ngành vận tải hàng không vẫn đang duy trì được đà phát triển bền bỉ trong bối cảnh chính trị và kinh tế xuất hiện những bất ổn. Nhưng điều gì đang không ngừng thúc đẩy nhu cầu này? Liệu có dự đoán nào về những khó khăn có thể làm chậm đà tăng trưởng trong năm tới không?”, bà Kawal Preet đặt hàng loạt câu hỏi. Đồng thời, bà cũng nêu 3 xu hướng đáng chú ý trong ngành vận tải hàng không năm 2024.
Thứ nhất, thương mại điện tử vẫn đang là “đầu tàu”. Theo bà Kawal Preet, một yếu tố quan trọng tác động đến nhu cầu vận tải hàng không là sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử. Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 33,3% thị trường vận tải hàng không trên toàn cầu, xếp vào hạng thị phần lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Nhiều thị trường xuất nhập khẩu thương mại điện tử lớn nhất, bao gồm Trung Quốc, cũng nằm trong khu vực này.
Môi trường hoạt động của ngành vận tải hàng không duy trì được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu từ IATA,báo cáo chỉ ra rằng có sự tăng trưởng từ các chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong sản xuất toàn cầu và các đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại xuyên biên giớicũng ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2024.
Bà cho rằng, nền tảng giúp thúc đẩy đà tăng trưởng này nhờ vào sự phát triển không ngừng của ngành thương mại điện tử, với sự tham gia ngày càng đông đảo hơn của các doanh nghiệp và thương hiệu đang tìm kiếm cơ hội mới để mở rộng hoạt động trên các nền tảng mua sắm trực tuyến – bên cạnh đó là những “tay chơi” mới liên tục gia nhập vào thị trường.
“Trong năm 2023, 4/10 trung tâm vận tải hàng không bận rộn nhất thế giới bao gồm các sân bay châu Á như Hồng Kông, Thượng Hải, Incheon và Đài Bắc. FedEx hiện đang vận hành các trung tâm vận chuyển được đặt tại các sân bay này, vì vậy chúng tôi có thể trực tiếp chứng kiến sự hoạt động của thị trường đang diễn ra sôi động với khả năng dịch chuyển nhanh chóng”, bà Kawal Preet chia sẻ.
Thứ hai, dồn trọng tâm vào các phân khúc đang tăng trưởng nhanh. Ngành hàng không, bao gồm các cảng hàng không, có trách nhiệm đảm bảo khả năng đáp ứng những nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất đặc thù. Do đó, để nắm bắt sự tăng trưởng trong tương lai, chúng ta cần tập trung vào các phân khúc hàng hóa giá trị cao, tăng trưởng nhanh, và có sự linh hoạt để tận dụng tối đa lợi thế thị trường.
Trách nhiệm bao gồm mở rộng đường băng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo các trung tâm hàng không có đủ cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia để xử lý các lô hàng đặc biệt. Đơn cử tại Hồng Kông, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới, cũng là cảng hàng không đầu tiên đạt chứng nhận Trung tâm Xuất sắc dành cho các Nhà Thẩm định Độc lập (CEIV) của IATA. Điều đó có nghĩa, Hồng Kông có khả năng xử lý hàng hóa có giá trị cao, bao gồm dược phẩm, hàng dễ hỏng, động vật sống và pin lithium.
Bà Kawal Preet cho rằng, sự gia tăng trong ngành pin lithium và ngành công nghiệp bán dẫn đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều trung tâm hàng không cần nâng cấp cơ sở hạ tầng để tiếp nhận và xử lý các mặt hàng liên quan, đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển các kiện hàng này.
“Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành dược phẩm tại châu Á, việc tạo điều kiện cho các lô hàng trong chuỗi cung ứng lạnh và sinh phẩm sẽ ngày một gia tăng, đã đề cập đến như kho lưu trữ đặc thù hay các yêu cầu nghiêm ngặt trong khâu vận chuyển”, bà Kawal Preet đánh giá.
Thứ ba, cuộc đua bền vững trong ngành hàng không sẽ tăng tốc. Ngày càng nhiều máy bay tham gia vận chuyển hàng hóa đồng nghĩa với việc cần kiểm soát lượng phát thải toàn cầu chặt chẽ hơn. Khi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp cùng chung tay nâng cao chất lượng ngành hàng không và xây dựng một tương lai mạnh mẽ hơn. Cộng đồng hàng không toàn cầu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và xanh hóa nhiên liệu hàng không được xem là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng để đạt được định hướng trên cần cả một chặng đường dài và nhiều thách thức phía trước. Một trong số các rào cản lớn chính là sự thiếu hụt hoặc không thể sản xuất nhiên liệu xanh một cách nhanh chóng. Để khắc phục điều này, các hãng hàng không thương mại và vận tải hàng hóa đang ký kết nhữngthỏa thuận hợp tác với những đối tác hàng không khác để hợp tác nguồn lực và thúc đẩy tiến độ dự án.
Bà Kawal Preet cũng cho rằng, nhu cầu cắt giảm lượng khí thải carbon trở nên cấp thiết hơn khi đồng thời nhu cầu cho máy bay vận chuyển hành khách cũng như vận tải hàng đều tăng trưởng, khi đó, ngành hàng không càng phải tích cực hành động vì mục tiêu giảm phát thải. Áp lực từ các nhà vận động và người tiêu dùng quan tâm đến bảo vệ môi trường cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi này.
“Khi các doanh nghiệp tiến hành khai thác các xu hướng trên trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô, sự linh hoạt và tâm thế sẵn sàng chuẩn bị cho nhiều tình huống khác nhau đóng vai trò then chốt. Tại FedEx, chúng tôi tin rằng các mối quan hệ hợp tác, gắn kết mạnh mẽ cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới, chuyển dịch và tăng trưởng”, bà Kawal Preet chia sẻ thêm.