Cám – bom tấn cổ trang kinh dị Việt đang là một trong những bộ phim nhận được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Sau khi chính thức khởi chiếu, bộ phim tiếp tục trở thành chủ đề bàn tán trên các nền tảng MXH. Bên cạnh diễn biến cùng phần hình ảnh chỉn chu, đẹp mắt, phục trang tiếp tục là một trong những yếu tố gây ấn tượng với khán giả. Không những tái hiện văn hóa và truyền thống của thời kỳ lịch sử xưa, phục trang trong Cám còn đưa người xem đến với 1 không gian đậm chất dân gian Việt Nam. Sự sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống, đúng với bối cảnh lịch sử nhưng vẫn mang vẻ hiện đại, tươi mới trong trang phục đã giúp phim Cám tạo được hiệu ứng ấn tượng.
Cộng đồng mạng dành nhiều lời khen cho phục trang trong phim Cám.
Chất liệu được lựa chọn tỉ mỉ, đúng với phong cách ăn mặc của người Việt xưa
Một lời khen dành cho khâu lựa chọn chất liệu trong phim Cám chắc chắn là điều không thể thiếu. Với mong muốn thể hiện đúng giá trị truyền thống, ê-kíp đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu lịch sử kết hợp cùng yếu tố như tranh vẽ dân gian, tượng thờ và các hiện vật thời xưa còn được lưu giữ.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân đã kết hợp cùng họa sĩ Duy Văn và cố vấn sử học Phan Thanh Nam để tạo ra những bản thiết kế chi tiết phục trang cho từng nhân vật. Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ về quá trình sáng tạo trang phục: ” Chúng tôi muốn tạo ra những bộ trang phục không chỉ đẹp mắt mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử. Mỗi chi tiết, từ chất liệu vải cho đến cách thêu thùa, đều được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo gần với thực tế nhất có thể. “
Phục trang trong phim đều là những bộ cánh đặc trưng trong văn hóa dân gian Việt Nam xưa như áo Tứ thân, Ngũ thân, Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm cùng nhiều kiểu dáng khác. Phục trang trong dị bản kinh dị sẽ mang hơi hướng chân thực và dựa trên nền chất liệu cổ phục pha trộn giữa 2 thời kỳ lịch sử của Việt Nam: thời cuối nhà Lê Trung hưng đầu thời nhà Nguyễn. Mỗi bộ trang phục bao gồm 4 lớp áo, các chi tiết thêu, đính kết trên áo đều được thực hiện thủ công bằng tay một cách cầu kỳ và công phu với những chất liệu cao cấp như lụa, gấm.
Từ chất liệu vải, chi tiết đính kết tinh xảo trên phục trang của Cám đều được đánh giá vô cùng chỉn chu và giữ được nét truyền thống văn hóa của người Việt xưa. Những bộ trang phục đẹp long lanh như bước ra từ bảo tàng chính là một trong những điểm thu hút giúp người xem ấn tượng với bộ phim.
Trang phục của Tấm và thái tử trong cảnh tiến cung là 2 thiết kế tốn nhiều công sức và thời gian của đoàn làm phim nhất (gần nửa năm từ khâu thiết kế đến sản xuất). Hai bộ trang phục mang vẻ lộng lẫy, sang trọng, vừa thể hiện được bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với thẩm mỹ của khán giả đương đại.
Bộ trang phục của Thái tử phi, do diễn viên Rima Thanh Vy thủ vai được lấy cảm hứng từ trang phục của một vị Hoàng hậu thời Lê Trung Hưng, vừa mang vẻ uy quyền, đằm thắm nhưng vẫn giữ được vẻ kín đáo, thanh tao của phụ nữ quý tộc xưa. Về phần thái tử, trang phục vẫn mang vẻ quyền lực, đĩnh đạc và sang trọng đúng chất hoàng gia.
Những họa tiết hoa văn cầu kỳ, phức tạp được thêu tay kỹ lưỡng đến từng mũi kim, tạo nên vẻ quyền lực. đẳng cấp cho trang phục. Không đơn thuần chỉ là món thời trang đơn thuần, đây được xem như một tác phẩm nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp và sự tinh tế của cổ phục Việt Nam.
Các trang phục của cận vệ, cung nữ, quan triều đình cũng đều được thiết kế tỉ mỉ, chỉn chu từ chất liệu đến kiểu dáng để phù hợp và sát nhất với bối cảnh lịch sử.
Màu sắc dân gian mang hơi thở hiện đại
Không những gây ấn tượng với người xem nhờ chất liệu, phục trang trong Cám còn ghi điểm bởi phối màu đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu công chúng hiện nay. Nếu nhiều người thường nghĩ trang phục trong phim cổ trang sẽ mang màu sắc xưa cũ thì Cám lại mang khác biệt độc đáo , được nhận định là trang phục thuộc dòng văn hoá dân gian Việt Nam xưa.
Đội ngũ ê-kíp đã cho thấy sự tinh tế và sáng tạo trong việc lựa chọn màu sắc hài hoà phù hợp với bối cảnh cũng như tầng lớp xã hội của từng nhân vật. Màu sắc các bộ phục trang trong phim lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, tranh làng Sình (Huế) để tạo ra những tông màu đậm chất dân gian.
Những bộ trang phục trong Cám có sự phối màu hài hoà, nịnh mắt, phù hợp với từng tầng lớp, địa vị cũng như hoàn cảnh các nhân vật trong xã hội.