Dùng lợi thế chia sẻ thông tin nhanh của mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, hay đòi lại quyền lợi cho chính mình, trở thành câu chuyện thường thấy với nhiều bạn trẻ. Nhưng chính việc cách nhau một màn hình khiến không ít người sẵn sàng “ném đá” sự việc, con người không liên quan tới mình… chỉ để thỏa mãn cái tôi chưa được thể hiện bên ngoài.
Lẽ phải thuộc về lượt like
“Người lửa phẫn nộ” trở thành cụm từ được tìm kiếm nhiều trên các nền tảng mạng xã hội trong mấy tuần qua, nó liên quan đến lùm xùm tại một trường cao đẳng ở TPHCM, khi một nam sinh viên không trung thực, dùng AI (trí tuệ nhân tạo) vào bài thi.
Điều đáng nói chính là thái độ của bạn trẻ trong vụ việc, bạn đã cùng gia đình dùng sức ảnh hưởng của mạng xã hội để thỏa mãn cơn giận trước mắt, đẩy cô giáo vào vị trí là người có lỗi và xóa sạch cái sai của chính mình.
Chưa biết thực hư câu chuyện như thế nào, nhưng khi tài khoản mạng xã hội của người nhà nam sinh viên với hơn 9.000 lượt theo dõi chia sẻ câu chuyện, ngay lập tức một làn sóng ném đá cô giáo bắt đầu… Thế nhưng, đến khi các bạn cùng lớp chia sẻ bản chất và sự đúng, sai của câu chuyện bài thi lên mạng xã hội, lúc này một làn sóng “quật ngược” lại.
Người nhà nam sinh phải lên nội dung trên các tài khoản ở tất cả các nền tảng mạng xã hội mà mình tham gia để đính chính sự việc và xin lỗi. Hiện tại, trang cá nhân tên N.K.V. của người này vẫn khóa bình luận công khai và các bài viết mới nhất có hàng ngàn lượt thả biểu tượng phẫn nộ từ người dùng.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, các nền tảng mạng xã hội hiện tại đều dùng thuật toán phân bổ nội dung đến người dùng chỉ tính bằng giây. Và hình ảnh, video, hay bài viết gây tranh cãi, công kích người khác càng nhanh chóng trở thành chủ đề tìm kiếm hàng đầu… bởi nó đánh vào tâm lý tò mò, và càng nhiều lượt theo dõi, lượt xem, lượt like thì nhiều sự việc sai cũng nghiễm nhiên trở nên đúng.
Trần Hùng Trọng (27 tuổi, nhân viên tài chính, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi cũng đã từng đặt niềm tin vào lượt like, hễ mua hàng theo dõi tin tức gì đó cứ thấy fanpage nào nhiều like là chốt đơn, người bán hàng nào nhiều lượt theo dõi là uy tín. Nhưng thực tế có phải vậy đâu, hàng mua về chỉ 3 phần được còn 7 phần thì bỏ đi, bởi họ toàn chạy quảng cáo để tăng like ảo. Cũng có một số tài khoản có tài trong việc viết nội dung, nên nhiều khi đọc tin trên trang của họ thấy thuyết phục lắm, nhưng tra lại nội dung đó trên các kênh truyền thống chính thống thì sai bản chất sự việc hết”.
Phía sau màn hình
Cách nhau một màn hình, nhiều người sẵn sàng thể hiện những điều mà trong cuộc sống thật họ không dám làm. Họ sẵn lòng hùa nhau “ném đá”, đánh “bay màu” trang mạng xã hội, hay thậm chí sử dụng công nghệ để cắt ghép hình ảnh, video nhằm công kích những kẻ họ ghét trên mạng xã hội.
“Người tổn thương trở thành kẻ tổn thương người khác”, “thủ phạm vào vai nạn nhân”, hay “quyền phán xét”… trở thành chuyện thường ngày với một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Nhiều quán ăn, hay cửa hàng quần áo, mỹ phẩm đã phải ngao ngán trước những Facebooker, TikToker, YouTuber với những màn giới thiệu trời ơi, theo những cách có khi là phản cảm, khiến quán phải chịu nhiều điều tiếng. Thế nhưng, nếu không tiếp đội ngũ có nhiều lượt theo dõi, lượt xem này, một bộ phận sẵn sàng đánh giá một sao, lên bài bất chấp để trù dập cho quán đóng cửa.
Đó cũng là lý do tại sao nhiều quán ăn ở TPHCM, hay tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Yên… đến nay vẫn treo bảng không tiếp khách TikToker, YouTuber đến quán ăn và quay phim, chụp hình.
Thời buổi 4.0, mạng xã hội không dừng lại ở chuyện chơi cho vui. Anh Duy Mạnh, CEO Công ty CP Công nghệ truyền thông Alpha X, chia sẻ: “Từ góc độ truyền thông, việc sử dụng mạng xã hội để đòi quyền lợi cá nhân là con dao hai lưỡi. Nếu câu chuyện có nhiều điểm bất nhất, thiếu bằng chứng hoặc mâu thuẫn, cộng đồng mạng sẽ dễ chuyển từ thương cảm sang công kích. Tâm lý đám đông sẽ khiến sự ủng hộ dễ bị thay đổi khi có thông tin mới gây nghi ngờ và luồng thông tin trái chiều sẽ tạo ra luồng dư luận mới bất lợi cho nạn nhân. Giải pháp cho các bạn trẻ là cần tỉnh táo và cân nhắc trước khi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Thay vì phụ thuộc vào mạng xã hội, các bạn nên tìm đến các kênh chính thống như cơ quan pháp luật, đoàn thể, tổ chức bảo vệ quyền lợi để được giải quyết vấn đề của mình, tránh rủi ro từ sức ép của cộng đồng mạng”.
Độ hấp dẫn và sức mạnh từ các nền tảng số là có thật và tổn thương từ nó cũng là sự thật… Nhưng cách nhau một màn hình, người ta dễ chú ý lượt thích, lượt xem, hay lượng người theo dõi, còn tổn thương hay ám ảnh tâm lý là câu chuyện của ai cũng được, miễn không phải của mình.
Mạng xã hội không tốt, không xấu, dùng mạng xã hội để lan tỏa giá trị tích cực, hay dùng nó như lưỡi dao không biết khi nào tự cứa đứt tay mình phụ thuộc vào cách chúng ta lựa chọn khi đưa các thông tin lên mạng.