Theo Cục Thống kê TP HCM, kinh doanh bất động sản tại thành phố đã tăng trưởng dương từ đầu năm đến nay, đạt 6,1% trong 8 tháng so với cùng kỳ 2023.
Thông tin vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy, kinh doanh bất động sản tại thành phố đã tăng trưởng dương từ đầu năm đến nay, từ mức tăng 2,51% trong quý I lên 2,94% quý II và đạt 6,1% trong 8 tháng so với cùng kỳ 2023.
Nhiều tín hiệu tốt
Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỷ USD. Cả nước có 3.155 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và 814 doanh nghiệp giải thể. Số lượng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động là 958, vốn đăng ký đạt 37.432 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh doanh bất động sản thành phố phục hồi còn thể hiện qua tăng trưởng tín dụng trên địa bàn những tháng qua. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, 7 tháng vừa qua tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%, tuy nhiên tốc độ tăng của tín dụng bất động sản lên đến 5,5%. Tín dụng bất động sản tăng cao hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn. Trong đó tín dụng nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 57% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.
Dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm. Nguyên nhân là trong 7 tháng đầu năm, các ngân hàng đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, ngân hàng giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng với dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP Thủ Đức.
Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua, các dấu hiệu phục hồi rõ nét từ 1/8, các luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho khoảng 1.000 dự án trên cả nước, tạo điều kiện tiếp cận vốn, tín dụng thuận lợi hơn.
Còn nhiều thách thức
Tuy vậy, theo ghi nhận của DĐDN, trong bức tranh chung, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy không mấy khả quan.
Đơn cử như Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn vừa qua đã chuyển từ lãi 2,4 tỉ đồng trên báo cáo tự lập sang lỗ 23 tỉ đồng sau soát xét. Sự chênh lệch lớn này đến từ việc kiểm toán điều chỉnh giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản sang kỳ báo cáo sau, khi đủ điều kiện ghi nhận. Chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán cũng tăng lên do thực hiện trích lập dự phòng phải thu theo đề nghị của kiểm toán.
Một đơn vị khác là Tập đoàn Danh Khôi cũng chung tình cảnh tương tự. Sau soát xét, doanh nghiệp lỗ hơn 10 tỉ đồng. Hay Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng ghi nhận lợi nhuận nửa đầu năm cũng giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, hiện tại nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai dự án ở các tỉnh vùng ven, chạy “nước rút” cho nửa cuối năm.
Đơn cử Phát Đạt cho biết vừa được giao thêm gần 15,8 ha đất Khu đô thị Bắc Hà Thanh tại tỉnh Bình Định. Như vậy, đến nay, dự án này đã được giao 90% đất. Sau khi được tính tiền sử dụng đất, công ty sẽ hoàn tất xây dựng để đủ điều kiện mở bán Dự án Khu đô thị Bắc Hà Thanh trong tháng 9.
Với dự án Thuận An tại tỉnh Bình Dương, Phát Đạt sẽ hoàn tất tính tiền sử dụng đất trong tháng 10/2024 và tháng 11/2024 sẽ đủ điều kiện bán hàng. Hai dự án này có thể đem lại gần 20.000 tỷ đồng doanh thu cho Công ty.
Thang Long Real Group cũng đang tập trung đẩy mạnh Dự án Fiato Uptown (TP. Thủ Đức, TP.HCM) và Fiato Airport City (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Nam Long Group thông báo mở bán giai đoạn mới phân khu cao tầng thuộc Khu đô thị Mizuki Park Bình Chánh cũng trong tháng này.
Hay Tập đoàn Hưng Thịnh mới đây cũng đã có đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cho thực hiện một dự án khu đô thị mới tại xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) với quy mô khoảng 368 ha và một dự án khu đô thị mới thuộc Khu kinh tế Vân Phong, quy mô khoảng 575 ha.
HoREA dự báo, nguồn cung và sức cầu bất động sản trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục được cải thiện, ước tính tăng khoảng 20-30% so với đầu năm. Riêng TP HCM, thanh khoản sẽ cải thiện và sẽ có chuyển biến rõ nét nhất vào cuối năm khi nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp phát huy hiệu quả tốt hơn.