Về trang chủ Xã hội Siết chặt quản lý hoạt động livestream bán hàng, chống thất thu thuế

Siết chặt quản lý hoạt động livestream bán hàng, chống thất thu thuế

Thời gian qua, cơ quan thuế các cấp đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế; cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai, đăng ký và nộp thuế đầy đủ, kịp thời.

 

Xu hướng kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh. Ảnh tư liệu

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Xu hướng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của TMĐT nên cơ quan thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý và thu thuế đối với lĩnh vực này, nhất là các hoạt động livestream bán hàng nở rộ trên các sàn TMĐT cũng như các trang mạng xã hội.

Đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế

Điều 17 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 quy định, tất cả DN, tổ chức, cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh TMĐT. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cần chủ động kê khai, nộp thuế để đảm bảo sự tôn nghiêm, bình đẳng, minh bạch trong chấp hành pháp luật về thuế.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khả năng thất thu thuế hoạt động kinh doanh TMĐT còn rất lớn khi các cơ quan quản lý khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến. Phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan thuế khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng.

Đặc biệt, với hoạt động livestream, mua bán hàng hóa của cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội cũng có nhiều khó khăn vì pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc quản lý thuế đối với các cá nhân này. Một số nền tảng mạng xã hội vẫn chưa thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp thông tin.

Để quản lý thuế tốt hơn đối với hoạt động TMĐT, hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng nắm rõ quy định pháp luật; thường xuyên rà soát cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu về TMĐT để có đủ thông tin đầu vào phục vụ công tác quản lý thuế; phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương rà soát, xác định các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, đảm bảo quản lý đầy đủ đối tượng.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chỉ đạo các phòng, chi cục thuế và các bộ phận liên quan yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm việc xuất hóa đơn điện tử, đảm bảo 100% giao dịch, bao gồm cả các giao dịch TMĐT được ghi nhận và xuất đầy đủ hóa đơn điện tử; từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào, đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật từ khâu sản xuất đến lưu thông, từ khâu nhập khẩu đến bán hàng.

Tổng cục Thuế đặc biệt lưu ý cơ quan thuế các cấp, bên cạnh công tác tăng cường giám sát tuân thủ đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo trong hoạt động livestream bán hàng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế lập danh sách và phối hợp với các ban, ngành địa phương kiểm tra tại địa bàn để xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành, hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an phối hợp xử lý nếu xác định đây là hành vi trốn thuế.

Chủ động kê khai, nộp thuế tránh bị phạt

Để quản lý thuế tốt hơn đối với hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội, ở đơn vị địa phương như Cục Thuế Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định, trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiên thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định.

Số liệu tổng hợp của Cục Thuế Phú Thọ cho thấy, trong năm 2023, trên địa bàn có 147 cá nhân thực hiện kê khai, nộp thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT với số thuế nộp gần 7 tỷ đồng, trong đó, số thuế thu từ cá nhân có hoạt động livestream bán hàng là hơn 1,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn có 82 cá nhân cá nhân thực hiện kê khai, nộp thuế kinh doanh TMĐT với số tiền thuế nộp trên 10 tỷ đồng, trong đó, số thuế thu cá nhân có hoạt động livestream bán hàng nộp trên 5 tỷ đồng (bao gồm cả số thuế truy thu các năm trước).

Đối với công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đại diện Cục Thuế Quảng Bình cho biết, theo số liệu rà soát, trên địa bàn tỉnh có 1.990 hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động TMĐT. Cục Thuế Quảng Bình đã thực hiện rà soát 970 trường hợp, trong đó, hộ, cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm là 934 trường hợp, cơ quan thuế đã quản lý trong bộ thuế 36 trường hợp. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế TMĐT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Phần lớn các cá nhân kinh doanh TMĐT đều không tiến hành đăng ký kinh doanh, thông tin được cung cấp chưa chính xác, không có địa điểm giao dịch cố định, một số trường hợp liên lạc qua điện thoại chưa phối hợp, gây khó khăn rất lớn cho cơ quan thuế trong việc quản lý đối tượng…

Về phía Cục Thuế Khánh Hòa, đại diện đơn vị này thì cho rằng, các cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang mạng xã hội, thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, địa chỉ cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên mạng khác với tên thật trên giấy tờ…, dẫn đến thiếu thông tin xác định đối tượng kinh doanh để quản lý thuế./.

Theo Thời báo Tài chính. 

Có thể bạn quan tâm