Qua gần 8 tháng của năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục từng bước đi lên vững chắc. Với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đã cùng “vượt nắng, thắng mưa”, “biến khó thành dễ” đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối là công trình có nhiều kỷ lục được xác lập. Ảnh tư liệu |
Tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Thời gian vừa qua, kinh tế Việt Nam chịu nhiều sức ép từ các diễn biến trong và ngoài nước. Trên thế giới, tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang. Kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi nhưng thiếu vững chắc, giá USD, giá vàng, dầu thô, hàng hóa cơ bản biến động mạnh, lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia, Fed chưa cắt giảm lãi suất…
Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. 60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, đây là điểm sáng. Nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Từ tháng 7, chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở trong sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, nhưng lạm phát tăng không đáng kể.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng mạnh, tình hình tài chính – NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng NSNN 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87.200 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực; du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch; phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng khả quan.
Để có kết quả này, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai chủ động, quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Chính phủ đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trong ngắn hạn, bảo đảm hài hòa với các nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn.
Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo về thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tổ chức các Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công, đôn đốc tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, đường dây 500 kV mạch 3…
Một trong những kết quả rõ nét nhất là việc thúc đẩy triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không. Thủ tướng Chính phủ cùng các Tổ công tác của Chính phủ thường xuyên có các chuyến đi thị sát, kiểm tra và đốc thúc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên khắp cả nước. Đây không chỉ là sự động viên, cổ vũ về tinh thần đối với cán bộ, công nhân lao động trực tiếp trên các công trường, mà còn đưa ra các chỉ đạo, định hướng kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là trong các vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, xử lý khó khăn về nguồn vật liệu cát san lấp đối với các dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Nhờ đó, việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm đạt các kết quả rất đáng mừng. Đơn cử như dự án Sân bay Long Thành đã được đẩy nhanh tiến độ, nhiều vướng mắc về vốn, mặt bằng, vật liệu đã được giải quyết. Các dự án khác như Nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sân Nhất, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài… được triển khai tích cực.
Dấu ấn nổi bật nhất có thể kể đến là Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được khánh thành sáng 29/8. Đây là công trình có nhiều kỷ lục được xác lập, thể hiện kỳ tích của tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”.
Biến cam kết thành hành động, thành kết quả thực sự
Cũng ngay trong tháng 8, trước yêu cầu cấp bách về tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tập trung xây dựng để trình Quốc hội sửa đổi một loạt các luật liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân sách, thuế, đầu tư.
Đó là các dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Các đề nghị xây dựng luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cách làm này một bước tiến trong hướng tiếp cận thể chế, tháo gỡ vướng mắc theo cấu trúc thị trường, theo từng tuyến thể chế, chính sách để tháo gỡ đến cùng những nút thắt về nguồn lực. Cùng với cách tiếp cận hệ thống về hạ tầng theo hướng phát triển đồng bộ, toàn tuyến để xử lý các điểm nghẽn một cách nền tảng, “vai trò của Nhà nước trong kiến tạo phát triển đã được thể hiện đúng nghĩa của nó”.
“Những cách làm vừa qua đã thể hiện một Chính phủ thực chiến, hành động, không dò đường. Chính phủ đặt ra những cam kết mang tính thách thức như cam kết về hạ tầng số, cảng biển, phát triển ngành bán dẫn, các cam kết quốc tế về phát triển xanh… Những tuyên bố mang tính cam kết hành động đó tạo ra cảm hứng hành động, huy động được năng lực để hiện thực hóa các cam kết thành kết quả thực sự”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận xét.
Từ những kết quả này, tinh thần hành động này, có thể kỳ vọng kinh tế năm 2024 sẽ đạt và đạt cao hơn những mục tiêu đề ra. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch của giai đoạn 5 năm 2021 – 2025, cũng như tạo đà vững chắc cho nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới 2026 – 2030, vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Phát biểu tại cuộc họp mới đây của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa, sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều kết quả có tính bước ngoặt, dấu ấn nổi bật. “Đại hội XIV sẽ là dấu mốc quan trọng, mốc son mới trên con đường phát triển của đất nước, của dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khơi dậy mạnh mẽ truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự tin, tự lực, tự cường, thể hiện đậm nét ý chí, khí phách và tinh hoa Việt Nam”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ. |