Về trang chủ Văn hóa Sự học nghìn đời tại triển lãm Văn miếu Quốc Tử Giám

Sự học nghìn đời tại triển lãm Văn miếu Quốc Tử Giám

Trong khuôn khổ chương trình Những ngày Hà Nội tại TPHCM nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày chuyên đề Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam tại Bảo tàng TPHCM. Nội dung trưng bày thu hút khá đông khách tham quan đến tìm hiểu.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm du lịch văn hóa có sức hút kỳ lạ với du khách, có những đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển về mọi mặt của thủ đô cũng như của cả nước. Từ năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng quốc gia và đến nay là Di tích Quốc gia đặc biệt, 82 tấm bia được Unessco vinh danh là di sản tư liệu thế giới.

Được chọn lọc từ hàng nghìn tư liệu khoa học và tranh ảnh, nội dung trưng bày lần này tại TPHCM mang tính điển hình và được thể hiện bằng hình thức phong phú, có giá trị thẩm mỹ cao. Đặc biệt, trưng bày đem tới những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng tham quan khi kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống đan xen hài hòa với các giải pháp công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D mappping, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo AI…

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông dựng Văn miếu. Hai năm sau khi hoàn thành xây dựng Văn Miếu, vào đầu xuân năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông băng hà ở điện Hội Tiên, giữa tòa Long Thành của kinh đô Thăng Long, thọ 50 tuổi, sau khi đã làm vua được 17 năm.

Năm 1075, đến thời vua Lý Nhân Tông cho thi khoa Minh Kinh Bác Học hay còn gọi là khoa tam trường đầu tiên trong lịch sử. Đến năm sau (1076), ông cho xây Quốc Tử Giám để thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho giáo và là nơi dạy học ở bậc cao dành cho thái tử và những người tài giỏi của đất nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám từ đó trở thành ĐH đầu tiên của nước ta. Vua Lý Nhân Tông là người mở đầu cho nền giáo dục ĐH ở Việt Nam.

Danh sư Chu Văn An sinh năm 1292, mất năm 1370, quê ở huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Với công lao đóng góp trong sự nghiệp giáo dục nước nhà, Chu Văn An được coi là Ông Tổ của nền nho học Việt Nam.

Dưới thời Trần, Quốc Tử Giám có tên là Quốc Học Viện, thời Lê có tên là Thái Học Viện. Bên cạnh việc “rèn tập sĩ tử, gây dựng nhân tài”, Quốc Tử Giám còn có nhiệm vụ bảo cử các giám sinh của nhà trường với triều đình để bổ nhiệm làm quan. Trường Quốc Tử Giám xưa kia có nhà giảng đường, thư viện, khu tam xá cho học sinh ở, kho đồ tế khí và kho chứa bản gỗ khắc in sách. Tổng số giám sinh trọ học là 300 người.

Các tấm bia tiến sĩ ở đây đều được đặt trên lưng Rùa với 3 lý do. Về mặt tâm linh: Rùa thuộc tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Về mặt lịch sử, rùa được coi là vị Thần của dân tộc (Thần Kim Quy). Về mặt sinh học, rùa là một sinh vật khỏe mạnh, sống lâu.
Xưa kia, số lượng người tham gia các kỳ thi rất đông, năm đông nhất, số lượng thí sinh dự kỳ thi hội lên đến 6.000 người, các năm trung bình có khoảng 2.000 đến 3.000 người dự thi. Điều này cho thấy không khí học tập và thi cử ngày xưa vô cùng sôi động, náo nhiệt, nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách.

      

Theo Tiền phong.

Có thể bạn quan tâm