Đó là những chỉ đạo mới từ Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu hôm nay (13.8).
Bộ Công thương cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ đã điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu theo hướng: nếu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực…
Đặc biệt, Bộ Công thương giữ nguyên đề xuất mua tỉ lệ 20% công suất lắp đặt thực tế tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại. Mức giá được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán sẽ nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề.
Toàn miền Bắc hiện có khoảng 700MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận gấp 10 lần
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết toàn bộ miền Bắc hiện có khoảng 700MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000MW.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tính toán, với quy định trong dự thảo nghị định, người dân sẽ tiết kiệm được khi sử dụng điện vào giờ cao điểm, cùng với mức giá bán điện dư vào hệ thống thì sau khoảng 5-6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay khoảng 12-15 năm.
Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương xem xét quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu ở nhà dân, công sở phải đơn giản nhất, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới. Đặc biệt, Phó thủ tướng đề nghị Bộ nghiên cứu, thống nhất tỉ lệ bán điện dư của nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế.