Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên mức 75%, nhằm đảm bảo người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến bộ ngành về Luật Việc làm sửa đổi. Góp ý cho dự thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Mức đề xuất này tăng 15% so với mức trợ cấp hiện hành (mức trợ cấp thất nghiệp hiện hành là 60%).
Lý giải về đề xuất này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức tối thiểu vùng và mức lương này còn thấp. Cơ quan chức năng cần tăng trợ cấp thất nghiệp lên 75% nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất, người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 trở đi, cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: VGP. |
Trước đó, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thanh toán số tiền cá nhân đã đóng (1%) vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc có đóng có hưởng.
Phản hồi về nội dung trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, mức hưởng 60% mức bình quân tiền lương là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giữ nguyên mức trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro nên đề nghị giữ nguyên quy định người lao động đến khi nghỉ hưu chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bộ này cũng đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay, người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian đóng trên 144 tháng không được bảo lưu.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6-8% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp).