Trong khi hàng triệu thuê bao sử dụng điện thoại 2G sắp bị cắt sóng để chuyển lên điện thoại 4G hoặc 5G có điều kiện kết nối internet hơn, thì nạn cuộc gọi rác đang tái diễn trầm trọng. Làm cách nào để người dân tránh khỏi rác điện thoại và lừa đảo trực tuyến khi mới tiếp xúc với internet?
Còn hàng chục triệu thiết bị 2G hoạt động
Từ ngày 16.9.2024, các nhà mạng sẽ bắt đầu tắt sóng 2G theo lộ trình cam kết. Theo đó, các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G hoặc không hỗ trợ VoLTE sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ. Thời hạn cuối sắp đến gần nhưng theo thống kê, đến cuối tháng 7.2024 vẫn còn khoảng 10 triệu thiết bị 2G đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… và nhóm người kém tiếp cận với công nghệ.
Hiện tại, các nhà mạng đang chạy đua để chuyển đổi sang máy 4G cho người dân. Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết: Các điểm bán hàng đã bán ra khoảng 500.000 máy nhưng đến tháng 9 năm nay, Viettel phải chuyển đổi 5 – 6 triệu thuê bao nữa.
Nguy cơ người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa sẽ bị làm phiền hoặc lừa đảo trực tuyến tấn công
“Số người dùng máy 2G chủ yếu thuộc tập khách hàng ở vùng núi, biên giới, hải đảo (chiếm khoảng 73%), nhóm người lớn tuổi (chiếm 65%) và lao động tự do (chiếm 75%). Đây được đánh giá là những đối tượng yếu thế, không dễ để tác động và thuyết phục. Với nhu cầu nghe gọi đơn thuần, nhóm khách hàng này cần nhiều thời gian và nỗ lực để tiếp xúc và thuyết phục chuyển đổi thiết bị”, đại diện Viettel nhìn nhận.
Tương tự đối với nhà mạng MobiFone, qua thực tế triển khai, nhiều người dùng di động không có nhu cầu đổi máy (trừ khi buộc phải đổi sau ngày 16.9.2024) do đã quen sử dụng điện thoại 2G. Đây là những khách hàng thuộc nhóm người cao tuổi, hộ nghèo, ở vùng khó khăn. Họ chỉ có nhu cầu với các thiết bị nghe, gọi đơn thuần và pin có thời gian sử dụng lâu. Theo đại diện VinaPhone, mặc dù được tích cực truyền thông, chia sẻ thông tin và khuyến khích người sử dụng điện thoại 2G chuyển đổi, nhưng vẫn có khoảng 25% tỷ lệ khách hàng chưa chịu chuyển đổi. Với Viettel, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại 2G chưa chịu đổi máy chiếm khoảng 30 – 35%. Tỷ lệ này dao động từ 20 – 25% với thuê bao của MobiFone và khoảng 20% với Vietnamobile.
Lãnh đạo Viettel Telecom dự kiến đến thời điểm hạn chót ngày 15.9 sẽ giảm lượng thuê bao sử dụng điện thoại 2G xuống còn khoảng 2,2 triệu. Do đặc thù của thuê bao sử dụng điện thoại 2G của Viettel là 73% ở khu vực nông thôn, miền núi, số lượng hộ nghèo lớn, khả năng tiếp cận máy khó khăn. Hơn nữa, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý chủ quan chờ đợi đến sát thời hạn cuối cùng mới nâng cấp thiết bị. Trong khi đó, với MobiFone, đến tháng 9 năm nay, nhà mạng này dự kiến còn khoảng 700.000 thuê bao sử dụng điện thoại 2G chưa chuyển đổi thiết bị.
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết các nhà mạng đã cam kết sẽ giảm lượng thuê bao 2G xuống tỷ lệ dưới 5% để đủ điều kiện tắt sóng theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, lộ trình tắt sóng 2G vào giữa tháng 9.2024 sẽ triển khai đúng kế hoạch. Đối với tình trạng vẫn còn lượng khách hàng không nâng cấp thiết bị, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng tìm hiểu nguyên nhân xem ngoài vấn đề kinh phí, người dùng di động vẫn chưa quen với thiết bị mới hay còn gặp phải khó khăn gì để có biện pháp truyền thông cụ thể.
Cuộc gọi telesales vẫn hoành hành
Trong khi việc tắt sóng 2G là xu thế không thể đảo ngược nhằm đưa người dân tiếp cận dễ dàng với Chính phủ điện tử và việc chuyển đổi số thì nguy cơ các đối tượng này trở thành miếng mồi béo bở của lừa đảo trên mạng là rất lớn. Càng đáng lo hơn khi tình trạng cuộc gọi rác đang tái diễn trầm trọng.
Anh N.C.Q., giám đốc một doanh nghiệp lớn có trụ sở tại TP.HCM, phản ánh: “Mới sáng 6.8 khi đang đánh răng, tôi nhận được cuộc điện thoại số lạ. Vừa mở máy, không cần đợi người nghe trả lời, nhân viên đầu dây bên kia đã vội vàng giới thiệu chương trình tri ân khách hàng, tặng voucher… Đang vội trễ giờ họp, lại gặp ngay cuộc gọi làm phiền, khiến tôi rất tức giận. Đáng nói là tình huống này thường xuyên, mỗi ngày mà muốn tránh cũng không được dù tôi cũng có nguyên tắc là số lạ không nghe. Mà thời buổi này, có biết bao số dịch vụ mình cần, khách hàng, đối tác mới… không nghe thì sợ lỡ cuộc gọi quan trọng, mà nghe thì lại chuốc bực bội vào người”.
Thường xuyên gặp phải những cuộc gọi rác chào mời chứng khoán, chị N.K (ngụ Q.4, TP.HCM) bức xúc: “Tôi thấy cuộc gọi rác thời gian gần đây tăng trở lại, đặc biệt là những cuộc gọi chào mời tham gia đầu tư chứng khoán. Khi tôi hỏi lại vì sao lại biết thông tin họ tên, số điện thoại của tôi thì nhân viên trả lời là tôi có cung cấp đâu đó. Tôi có cảm giác gần đây các telesales được giao chỉ tiêu và giám sát bằng thời gian cuộc gọi. Thế nên họ không cần biết đầu bên kia người nghe nói gì, cần gì, cứ thao thao bất tuyệt, xong là cúp máy cái rụp. Rất ức chế. Chung quy lại là cuộc gọi rác, tin nhắn rác thời gian gần đây vẫn chưa thuyên giảm mà còn có dấu hiệu bùng phát nhiều hơn”.
Nhận định này phù hợp với những gì mà cơ quan quản lý ghi nhận. Qua theo dõi, giám sát tình hình phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi trên hệ thống 5656/156, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VN (VNCERT) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) hiện nay vẫn ghi nhận các phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Bên cạnh những trường hợp telesales quảng cáo đơn thuần, có khá nhiều cuộc gọi rác có ý đồ lừa đảo. Đặc biệt, sau thời hạn áp dụng sinh trắc học để chuyển khoản ngân hàng, các cuộc gọi điện thoại mạo danh để lừa đảo hướng dẫn cài đặt nhận diện khuôn mặt tăng mạnh.
Càng đáng lo hơn khi thời gian sắp tới hàng chục triệu người dùng máy 2G phải chuyển đổi thiết bị có thể truy cập mạng xã hội, internet thì họ có thể trở thành đối tượng cho những kẻ lừa đảo.
Trả lời Thanh Niên chiều 6.8, ông Ngô Minh Hiếu, từ dự án chongluadao.vn, cho rằng: “Việc nâng cấp từ điện thoại 2G lên smartphone ở vùng sâu vùng xa chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn liên quan đến an ninh mạng và lừa đảo trực tuyến. Trong đó, bên cạnh những lợi ích như người dân ở vùng sâu vùng xa sẽ có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, và thông tin kịp thời hơn, giúp kết nối với người thân, bạn bè và cộng đồng rộng lớn hơn, tạo ra cơ hội mới cho kinh doanh trực tuyến, học hỏi và phát triển kỹ năng… thì vẫn có những rủi ro và nguy cơ như giả mạo thành một đơn vị uy tín để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân (phishing), phát tán phần mềm độc hại (malware), và các hình thức lừa đảo trực tuyến khác. Các hình thức lừa đảo qua tin nhắn SMS, email và ứng dụng giả mạo có thể gia tăng khi người dùng mới tiếp cận với internet. Các đối tượng lừa đảo có thể nhắm vào sự thiếu hiểu biết của người dùng mới để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài chính vì nhiều người dùng mới có thể không biết cách cài đặt và sử dụng các phần mềm bảo vệ như antivirus, firewall, hoặc các biện pháp bảo mật khác. Việc kết nối internet không bảo mật (như sử dụng wifi công cộng, không rõ nguồn gốc) có thể tăng nguy cơ bị hack và lộ thông tin cá nhân”.
Cùng quan điểm trên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, nêu ý kiến: “Theo thống kê của cơ quan quản lý, trong số những nạn nhân từng bị lừa đảo trực tuyến có một bộ phận không nhỏ người dân sống ở vùng sâu vùng xa, trong đó nhiều trường hợp bị lừa bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả hoặc bị hù dọa liên quan đến vụ án rửa tiền, vận chuyển chất cấm… Sắp tới, khi tắt sóng 2G và đưa người dân tiếp cận với internet nhiều hơn, chắc chắn các đối tượng lừa đảo sẽ nhắm tới những người mới tiếp cận internet vì họ thiếu thông tin và các biện pháp phòng vệ, bên cạnh đó mối liên hệ với cộng đồng, với cơ quan chính quyền địa phương cũng còn khá lỏng lẻo. Đây chính là những người cần được quan tâm và bảo vệ, nâng cao nhận thức và kiến thức để họ tự bảo vệ mình”.
Trang bị kiến thức cho người dùng
Từ thực tế đó, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu đề xuất: “Cơ quan quản lý, cơ sở đoàn, hội cấp địa phương cần triển khai một loạt các biện pháp giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao nhận thức cho người dùng mới tại các trung tâm cộng đồng, trường học, và các địa điểm công cộng khác về cách sử dụng điện thoại thông minh an toàn, nhận diện lừa đảo trực tuyến, và bảo vệ thông tin cá nhân; tạo ra các chiến dịch truyền thông xã hội với nội dung phù hợp với người dùng mới, giúp họ nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hỗ trợ pháp lý và tư vấn cho các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ di động và internet cung cấp thông tin về an ninh mạng và cảnh báo lừa đảo trực tuyến tới người dùng mới. Đồng thời tạo ra các gói dịch vụ bao gồm các ứng dụng bảo mật được cài đặt sẵn, giúp người dùng mới dễ dàng tiếp cận và sử dụng…”.
Mới đây, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đã chính thức phát hành phần mềm phòng chống lừa đảo mang tên nTrust. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh (smartphone), giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. Ứng dụng cũng hỗ trợ chức năng rà soát, quét các chương trình đang có trên điện thoại, phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, người dùng có thể gửi báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link…ứng dụng nghi ngờ lừa đảo về trung tâm thông qua tính năng tích hợp sẵn trên ứng dụng…
Trả lời Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia), cho biết: “Do phần mềm nTrust mới ra mắt nên vẫn cần có thêm thời gian để phát triển cộng đồng cũng như đánh giá được hiệu quả của ứng dụng. Sau 1 tuần ra mắt, ứng dụng đã có hơn 100.000 lượt tải trên cả 2 kho ứng dụng App Store và Google Play, trong đó số người dùng thường xuyên khoảng 81.000 người. Đã có 27.000 lượt báo cáo về các số điện thoại, số tài khoản, website liên quan đến lừa đảo, làm phiền (spam). Với các báo cáo gửi về từ người dùng thì sức mạnh của phần mềm sẽ được cải thiện nhờ cơ sở dữ liệu được làm giàu liên tục”.
Ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ thêm: “Ứng dụng nTrust ra đời ở thời điểm này khá phù hợp với đối tượng mới sử dụng internet và cần nâng cao khả năng phòng vệ. Nó được thiết kế để phục vụ mọi đối tượng người dùng, bao gồm cả những người chưa có nhiều kiến thức về an ninh mạng hay bảo vệ dữ liệu khi tham gia không gian internet, trong đó có các chức năng bảo vệ tự động, phát hiện phần mềm độc hại (android), phát hiện cuộc gọi lừa đảo, làm phiền (có trong cơ sở dữ liệu lừa đảo) để giúp những người chưa biết thao tác trên phần mềm. Sau một thời gian sử dụng, khi đã quen thuộc với các thông báo tự động, người dùng sẽ tiếp tục khám phá các tính năng khác như chủ động kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường link hay mã QR. Hy vọng rằng, phần mềm sẽ luôn đồng hành với người dùng khi bắt đầu làm quen với 4G và các dịch vụ dựa trên 4G và internet”.
Tuyên truyền cho người dùng mạng xã hội phòng tránh Mới đây, một chiến dịch truyền thông mang tên “Nhận diện lừa đảo” do Cục An toàn thông tin hợp tác với Tập đoàn Meta phát động tập trung tuyên truyền để người dùng mạng xã hội biết cách phòng tránh hiệu quả, hướng dẫn cách giúp người dùng mạng xã hội tránh bị lừa đảo trên môi trường mạng. 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Cục An toàn thông tin xác định là các “điểm nóng” tại VN, bao gồm: lừa đảo đầu tư; lừa đảo việc làm; lừa đảo tài chính; lừa đảo cho vay; lừa đảo xổ số; lừa đảo mạo danh. |
|