Về trang chủ Xã hội Gen Z có nên ‘kén cá chọn canh’ khi đi thực tập?

Gen Z có nên ‘kén cá chọn canh’ khi đi thực tập?

Kỳ thực tập được xem là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình phát triển sự nghiệp. Với thế hệ Gen Z, đây là cơ hội để học hỏi, mài giũa bản thân, chứng minh năng lực của mình.

Gen Z (Generation Z) là nhóm người trẻ được sinh ra từ năm 1997 – 2012; cũng ý kiến cho rằng Gen Z sinh từ năm 1995 – 2010. Gen Z là lực lượng quan trọng của thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng giống như nhân viên fulltime, sinh viên khi đi thực tập thường sẽ được cung cấp bảng mô tả công việc (JD), minh bạch về các khoản lương, trợ cấp… Trên các hội nhóm dành cho người đi làm, có không ít tranh luận liên quan đến chuyện sinh viên khi đi thực tập có nên thẳng thắn đề nghị mức lương, kén chọn công việc hay không? Hay họ nên đặt tâm thế sẵn sàng nhận và làm mọi công việc được giao?

Trải nghiệm của người trong cuộc

Khi được hỏi rằng sinh viên đi thực tập có nên kén chọn công việc hay không, anh Công Dân (22 tuổi, ở TP.HCM) thẳng thắn trả lời: “Khi đi thực tập, tôi luôn đặt tâm thế mình là một nhân viên chính thức của công ty. Như vậy tôi sẽ làm việc hết sức, có trách nhiệm và có tinh thần phấn đấu hơn. Khi thực tập tại một nơi nào đó, nếu được cấp trên giao việc cho là quá tốt. Nhưng bản thân tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải chủ động học hỏi, đề xuất nguyện vọng muốn được làm cái này cái kia hay đi làm chung với các anh chị lớn để học hỏi họ”.

Anh Dân có quan điểm, khi đi thực tập thì không nên quá kén chọn công việc. Nếu được giao những công việc quá ngoài lề, chẳng hạn như in ấn, chuẩn bị giấy tờ, sắp xếp phòng họp… thì đừng nên từ chối quá thẳng thắn.

“Thực tập cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng mối quan hệ với sếp, với đồng nghiệp, hiểu sâu hơn về văn hóa công ty. Mà muốn có được điều đó, bản thân tôi đã lăn xả hết mức trong 6 tháng thực tập. Không chỉ giờ hành chính, tôi còn được giao việc ngay cả ngoài giờ hay cuối tuần. Nhưng tôi luôn thầm biết ơn bản thân mình vì lúc đó đã nỗ lực hết sức. Sau 6 tháng, tôi thấy mình trưởng thành hơn, giàu có hơn về mặt kiến thức, kỹ năng”, anh Dân nói.

Vừa kết thúc kỳ thực tập 3 tháng tại một công ty marketing, Thùy Linh (22 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ rằng hành trình vừa qua của chị có nhiều ngã rẽ bất ngờ.

Năm cuối đại học, chị đã gửi hồ sơ đến 7 công ty ứng tuyển làm thực tập sinh nhưng chỉ đậu một nơi duy nhất. Trân trọng cơ hội này, những ngày đầu tiên đi thực tập, chị đã đặt ra rất nhiều mục tiêu, có nhiều ý tưởng muốn được thực hiện.

“Khi mới vào, tôi nghĩ mình sẽ được tham gia vào làm các chiến lược truyền thông xã hội và các dự án sáng tạo của công ty. Nhưng thực tế, tôi phải dành phần nhiều thời gian cho các công việc hành chính như nhập dữ liệu, sắp xếp hồ sơ, làm slide thuyết trình… Tôi khá hụt hẫng nên có đề xuất với chị hướng dẫn trực tiếp của mình, nêu nguyện vọng muốn được làm những cái khác. Chị ấy bảo vì sinh viên chưa có kinh nghiệm và chưa đủ sức nên không thể tham gia dự án cùng các anh chị lớn”, chị Linh kể.

Là một Gen Z mê học hỏi, tràn đầy nhiệt huyết, bản thân chị Linh đã không ít lần cảm thấy mình tệ hại khi đi thực tập mà không được thật sự dấn thân. Chị nói, thực tập vốn dĩ là cơ hội cho sinh viên được thử sức nhưng nếu các công ty không tạo điều kiện thì cũng đành chịu.

Gen Z nên chọn một môi trường phù hợp để trải nghiệm kỳ thực tập của mình

Chị Linh cho hay, chị nghĩ nếu có cơ hội được thực tập tại một công ty tốt, đừng ngại làm bất cứ việc gì. Tất cả những gì chúng ta làm đều sẽ có ích ở một thời điểm nhất định nào đó.

“Nhiều bạn Gen Z có kinh nghiệm làm việc từ lúc đi học nên khi đi thực tập khá kén việc. Điều đó không có gì là sai bởi các bạn có năng lực. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn được phép chỉ làm những điều mình thích. Khi trở thành một thực tập sinh, điều quan trọng nên ưu tiên hàng đầu vẫn là thái độ cầu thị, ham học hỏi, sẵn sàng làm việc”.

Gen Z đi thực tập có nên “kén cá chọn canh”?

Là người đã có công việc ổn định và được nhà tuyển dụng “giữ chân” sau kỳ thực tập 3 tháng, anh Thành (27 tuổi, ở Quảng Trị, là nhân viên của một công ty công nghệ thông tin) khuyên các bạn trẻ Gen Z đi thực tập không nên quá kén chọn. Anh cho rằng, thực tập là cơ hội để chúng ta áp dụng lý thuyết vào thực tế, khám phá môi trường làm việc, rèn luyện các kỹ năng phần mềm.

“Gen Z đừng quan trọng hóa về vị trí hay mức lương mà nên tập trung vào việc học hỏi kiến thức và kinh nghiệm để nâng cấp bản thân. Ngoài ra thực tập còn giúp các bạn Gen Z mở rộng các mối quan hệ để giúp ích cho công việc sau này”, anh Thành nói.

Ngoài ra, anh Thành khuyên các bạn Gen Z khi thực tập cần thể hiện các cá tính của mình, như các điểm mạnh về sử dụng công nghệ, khả năng sáng tạo, đổi mới. Hãy chủ động và nhiệt tình, các bạn trẻ sẽ tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng và mở ra nhiều cơ hội trong tương lai.

Đồng quan điểm với ý kiến của anh Thành, chị Chi (25 tuổi, ở TP.HCM, là trợ lý giám đốc của một công ty vật liệu xây dựng) chia sẻ: “Đi thực tập, các bạn không nên quá vội vàng. Hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ để học hỏi, trau dồi bản thân. Tuy nhiên, các bạn Gen Z cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn đơn vị và công việc thực tập. Hãy tìm một môi trường thực tập phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đã chọn. Môi trường làm việc phù hợp với giá trị, quan điểm bạn và công ty đó có cơ hội để bạn phát triển bản thân”.

Đi thực tập không có nghĩa là bạn phải làm bất cứ việc gì được giao, nhưng cũng đừng quá kén chọn. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng, tìm một môi trường phù hợp để bạn có thể học hỏi và phát triển bản thân.

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm