Về trang chủ Văn hóa Hồn nước Mưa hát – Truyện ngắn của Sông Dinh

Mưa hát – Truyện ngắn của Sông Dinh

“Sinh con ra có ai muốn như thế đâu, sao nỡ đánh nó như thế. Trời ơi là trời!”

Khi tiếng gào khóc của người đàn bà trẻ và cái âm thanh lạch bà lạch bạch của đôi tông lào lẫn vào màn mưa lao xao buổi sớm, trôi dần về cuối hẻm, thông ra đường lớn, cũng là lúc từng nhát chổi dừa bắt đầu xoàn xoạt lướt trên mặt đường ướt át, dồn mớ rác tanh tưởi đã bị đào bới, vung vãi khắp nơi, trước khi chiếc ba gác thu gom rác thải làm cái việc thường nhật. Một vài người dáo dác đưa mắt quanh quất để xem cái thùng rác trước cửa nhà đã bị lôi đến tận đâu. Chẳng ai buồn để ý đến thằng nhỏ áo xống bẩn thỉu, bị lôi đi xềnh xệch, vùng quẫy, la hét bạo liệt, cố thoát khỏi đôi bàn tay mà đã bị nó cào cấu đến tươm máu. Trên gương mặt bầu bĩnh nhưng có phần hung tợn, lem luốc, dấu năm ngón tay người lớn hằn đỏ, kéo dài từ vành tai đến tận khóe miệng.

Người đàn bà đã thôi gào khóc, cố lôi đứa trẻ ương bướng đi về hướng gian nhà ngai ngái mùi đậu nành đã lên men. Màn mưa mỏng tang đầu mùa không đủ che những mảng da khô khốc đến bợt bạc, nứt nẻ, bong tróc lỗ chỗ trên đôi môi câm lặng. Và đôi mắt, đôi mắt chìm sâu hun hút giữa những vầng thâm, đen đặc như đáy hồ đêm ba mươi. Đến nỗi, nhiều người quả quyết, họ chỉ nhìn thấy hai chấm sáng trăng trắng, nhỏ như đầu tăm, mỗi khi vô tình chạm ánh mắt cô. Họ ái ngại khẽ gật đầu chào, lặng lẽ tiếp tục cái công việc chẳng đặng đừng giữa không gian nồng nặc mùi xú uế.

Không biết tự bao giờ, những người sống trên con hẻm này coi như đó là dấu hiệu của một ngày bình thường, một hoạt động thể chất thay cho những bài tâp thể dục buổi sáng. Hoặc là họ cố gắng cho rằng mình nghĩ như thế. Mặc dù, thi thoảng, trên một vài gương mặt vẫn còn ngái ngủ, chưa kịp giãn ra, cái sự hậm hực lồ lộ. Và nỗi bất bình dồn nén ấy, lại càng trở nên bức bối, khó chịu bội phần, khi những cơn mưa đầu mùa ập đến.

“Thứ này sau chỉ có đi làm cướp” – Bảo vắt áo mưa lên yên xe, thả lưng cánh võng, châm thuốc, phả khói vào đàn muỗi đương vần đảo trên đầu, vo ve đến nhức óc.

“Mày nói vậy mà nghe được. Mày đếm trên mặt tao bao nhiêu nếp nhăn là bấy nhiêu lần muối mặt đi xin lỗi hàng xóm vì mấy cái trò quậy phá của mày. Kém cạnh gì nó mà mày bỉ bôi” – Ngoại Bảo phe phẩy quạt lá cọ xua muỗi. Mùa mưa, đàn muỗi cứ quẩn quanh trong nhà như mắc ám.

Bảo chẳng buồn cãi lại. Vì y như rằng câu chuyện nào ngoại rẽ Đông rẽ Tây rồi cũng rẽ ngay đến cái chuyện chồng con của Bảo. Mà Bảo thì chẳng mấy khi để tâm nghiêm túc đến chuyện ấy. Ngoại trừ một lần duy nhất là cái ngày Bảo gom mấy bộ quần áo cùng mớ sách vở nhét vào cái cặp đi học, về ở với ngoại, đánh dấu thắng lợi mĩ mãn cho cuộc đấu tranh giải phóng má Bảo khỏi những trận đòn thừa sống thiếu chết của ba mỗi khi ổng bắt gặp hay nghe thấy ai bàn tán má đi với đồng nghiệp nam, đôi khi chỉ là vài câu chào hỏi vô thưởng vô phạt. Bảo dứt khoát không chồng con chi ráo.

“Rồi mày định đánh đu với tụi con nít trong xóm cho tới già đó hả Bảo?” – Bảo không trả lời. Cô vẫn rít thuốc, đẩy võng kẽo kẹt, nhìn những giọt mưa rơi lao xao vào tán bồ đề đâm ra từ tường rào, vô thức khe khẽ theo từng nhịp tí tách, xuất hiện lãng đãng, ngẫu nhiên trong tâm trí.

“Ti ta li la ti ta”

“Li la ti ta li la”

Đâu đó, từ nơi xa vắng, những thanh âm vang lại, như giai điệu hồi đáp:

“Ti ta li la ti ta”

“Li la ti ta li la”

Bất giác cô bật dậy, ẩn hiện sau tán bồ đề, một thằng nhỏ ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu dưới mái hiên, trông ra con hẻm mưa giăng giăng, đung đưa như quả lắc đồng hồ.

“Ti ta li la ti ta”

Li la ti ta li la”

Đúng rồi, những từ ngữ vô nghĩa kì lạ quẩn quanh trong tâm trí cô chính là từ thằng nhỏ bất trị hàng xóm. Không biết từ bao giờ, nó đã trở thành một thứ ám ảnh. Mà cũng không phải, có lẽ, bộ não của cô mặc nhiên ghi nhớ, và khi…phải rồi, khi những giọt mưa bắt đầu tí tách vào mái tôn, chảy thành dòng dội xuống mặt đất, nó lại vô thức phát ra như một sự mặc nhiên. Nhưng tại sao, ngoài những từ ngữ kỳ lạ đó, cô chưa từng nghe nó nói bất kỳ một điều gì khác. Kể cả lúc giận dữ gần như điên dại trước những điều không mong muốn, nó chỉ cào cấu, đập phá, rồi gào rú như một con thú hoang. Tuyệt nhiên, không một từ ngữ có nghĩa được thốt ra từ miệng nó.

Người đàn bà vươn cánh tay đẫy đà, nắm lấy cổ áo thằng nhỏ nãy giờ vẫn đứng khóc thút thít, lôi ra trước, rít lên giận dữ:

“Đó bà con nhìn đi, thằng du côn đó đánh con tui ra nông nỗi đó. Còn gì mặt thằng nhỏ nữa.” – Tiếng rít vừa thoát ra khỏi cổ họng, hơi thở hồng hộc ngay lập tức tuôn ra như đã kiềm nén lâu ngày, làm cho cái thân hình bệ vệ lắc lư như chiếc lo xo. Đám trẻ quây quanh coi náo nhiệt phá lên cười nắc nẻ.

Nhìn những vết trầy xước ngang dọc, tứa máu trên gương mặt thằng nhỏ hàng xóm, Thương đứng chết lặng. Hôm nay là ngày đầu tiên cô chuyển nhà đến đây. Vật dụng, đồ đạc xe tải chở đến còn chất lỉnh kỉnh ngoài đường. Sau một hồi để ý quan sát thấy thằng Thành có vẻ thích thú với chiếc ghế đẩu, ngồi lắc lư hàng giờ, cô yên tâm tập trung dọn dẹp lại căn nhà. Nào ngờ, mới đó đã xảy ra chuyện.

“Dạ chỉ là con nít gây gổ, mong chị bỏ qua cho. Để em đưa thằng nhỏ lên trạm y tế kiểm tra.” – Thương khẩn khoản, không giấu được sự sợ hãi trong ánh mắt.

“Tui không cần. Tui chỉ muốn cho chị biết là từ rầy, thằng ác quỷ này tránh xa con tui ra. Nếu nó còn sớ rớ thì đừng có trách.” – Người đàn bà kéo tay thằng nhỏ vẫn còn đang khóc rấm rứt rời đám đông, đi về cuối con hẻm.

Đám đông giải tán, một vài người ở lại để phụ giúp hộ gia đình mới đến chuyển những đồ đạc quá sức người đàn bà gầy gò, mảnh khảnh. Thằng bé bị mắng nhiếc là ác ôn vẫn hồn nhiên lắc lư trên chiếc ghế. Nhìn gương mặt ngây ngô của nó, không ai nghĩ nó gây ra được điều gì gọi là ác hại.

Riêng Bảo thì lại càng không cho là chuyện to tát gì. Con nít chơi đó, đánh nhau đó, lại chơi đó thôi. Huống hồ, đứa bị đánh lại là cái thằng nhanh nhẩu, mồm mép, được tiếng là quản giao nhất xóm. Bảo thừa biết chính nó chủ động lân la làm quen thằng nhóc mới đến. Nhưng thất bại thảm hại đến như vậy thì đây quả thực là lần đầu.

Hơn một tuần sau, khi mùi đậu hũ, mùi sữa đậu nành đã bắt đầu tỏa đi khắp con hẻm, thu hút lũ trẻ hiếu kỳ, quãng hẻm vắng dần dà thành nơi tụ tập của bọn trẻ con trong xóm. Đặc biệt là mỗi buổi chiều chủ nhật, khi Bảo không phải tăng ca, tiếng đùa giỡn của đám con nít vang dậy khu phố. Nhưng tuyệt nhiên, thằng nhỏ mới đến vẫn ngồi lì ở đó, lắc lư, mắt đăm đăm hư không, thi thoảng lại cười hềnh hệch ngây dại.

“Nó bị câm đó.”

“Đừng tới gần, coi chừng nó cắn”

“Sao nó không chơi với mình hả chị Bảo”

Đám trẻ nhao nhao hằng hà sa số câu hỏi, nhưng chính Bảo cũng cảm thấy khó hiểu trước biểu hiện của đứa trẻ, mà lẽ ra, đương tuổi hiếu động, ham náo nhiệt. Cô ngờ ngợ nó đang chìm vào một thế giới nào đó, không thuộc về nơi này. Càng kỳ lạ hơn, người phụ nữ gầy gò, xanh xao kia, dù tất bật luôn tay luôn chân với sạp rau trước nhà hay ép khuôn đậu hũ, chẳng mấy khi rời mắt thằng con vẫn ngoan ngoãn ngày qua ngày ngồi lì trên chiếc ghế, chẳng đi đâu nửa bước.

“Anh xuống đá banh với tụi em nì” – Con bé Thúy đánh bạo, dứ dứ quả bóng trước mặt nó. Nó vẫn lặng yên, lắc lư, không có bất kỳ phản ứng nào cho thấy nó nhận thức được điều gì đang diễn ra trước mắt.

“Xuống chơi chung đi, ngồi đây chi” – Con bé vẫn kiên trì, nhưng có lẽ là tò mò trước biểu hiện kỳ lạ của thằng nhỏ hơn là có ý lôi kéo nhập bọn. Nó xoay xoay quả bóng trước mặt thằng nhỏ, chờ đợi một phản ứng, dù chỉ là nhỏ nhất. Đột ngột, thằng nhỏ giật lấy quả bóng, xoay tròn như cái cách mà con bé Thúy làm trước mặt nó. Cái vung tay bất ngờ khiến con bé giật mình, nó với tay chụp lại quả bóng, giật ngược. Nhưng nó sửng người, khi nhìn thấy đôi mắt thằng nhỏ long lên sòng sọc, vằn vện tia máu giận dữ. Nó vụt buông tay, lùi lại, nhưng không còn kịp nữa. Thằng Thành buông quả bóng, chụp lấy tóc nó lắc dữ dội, cào cấu liên hồi, không ngừng la hét dữ tợn. Tiếng gào rú mang dại lấn át cả tiếng khóc kêu cứu của con bé Thúy, khiến cả đám trẻ đứng chết trân, sợ hãi. Khi Bảo gỡ được con bé Thúy ra thì mặt nó đã bê bết máu. Cô vội xốc con bé chạy lên trạm y tế, trong khi Thương cố lôi thằng Thành vào trong nhà, khóa trái cửa. Tiếng đập cửa, tiếng gào thét hung tợn vang khắp khu phố.

Sau sự cố, những đứa trẻ khu phố bị cấm ngặt không được phép lai vãng gần thằng nhỏ mới đến. Nhưng sự dè dặt, đề phòng chỉ biến thành nỗi sợ hãi thật sự khi người ta chứng kiến cái cảnh nó lao vào cấu xé bác tổ trưởng tổ dân phố bởi ông lão cố giằng nó ra khỏi đống rác tanh tưởi mà nó xới tung từ thùng rác trước những căn nhà trong khu phố. Những câu tra hỏi ồm ồm như muốn hụt hơi của ông lão vừa ốm dậy chìm nghỉm giữa tiếng la hét của đứa con nít chưa vỡ giọng. Hàng xóm khó khăn lắm mới tách được nó ra khỏi người ông lão tội nghiệp. Kể từ đó, không còn ai muốn dây vào nó nữa. Cho dù những lúc nó ngồi một mình lắc lư trên chiếc ghế quen thuộc, hay sục sạo, bới tung những cái thùng rác mỗi khi má nó quá bận bịu, không kịp để mắt đến. Dần dà, những nhát chổi xoàn xoạt mỗi buổi sớm vang lên trong lặng lẽ, không một lời trách cứ, trở thành biểu hiện của sự đồng cảm với một người mẹ không thể quản nổi thằng con bất trị. Bảo cũng thôi ý định lôi kéo nó hòa nhập cùng tụi nhỏ trong xóm. Nhưng thi thoảng, từ căn nhà sực nức mùi đậu nành, vẫn vang lại tiếng cười hềnh hệch, ngô nghê mà ám ảnh. Và khi những giọt mưa dội vào phiến lá bồ đề, dội xuống mặt đường, vẫn cái điệu bộ vô hồn, lắc lư, nó lại gieo vào màn mưa giai điệu với những từ ngữ kỳ lạ.

Li la ti ta li la

Ti ta li la ti ta

***

Thương có ý ngóng đợi, nhưng sự xuất hiện của Bảo và đám con nít thưa vắng dần, rồi mất hút. Cô hiểu rằng Bảo đã từ bỏ những nỗ lực cuối cùng để tiếp cận thằng nhỏ. Những lần chạm mặt vội vàng, những câu chào hỏi thông lệ biến nó trở thành kẻ vô hình trên con phố hẻm. Nó vẫn ngồi đó, lắc lư, vẫn là thứ gì đáng sợ trong mắt những người xung quanh. Nhưng những ngày dõi theo từng cử chỉ, dù là nhỏ nhất, Thương nhận ra đã có điều gì thay đổi bên trong thằng nhỏ. Thương càng chắc chắn vào suy nghĩ của mình hơn, khi thấy nó nhìn đám trẻ khu phố chạy theo quả bóng dưới cơn mưa như trút, cười ngô nghê, mặt dù ánh mắt vẫn chìm vào nơi xa xăm nào đó. Và từ mơ hồ cho đến kinh ngạc, cô nhận ra những từ ngữ kỳ lạ, như một bài hát, mỗi khi những giọt mưa bắt đầu rơi trên con hẻm vắng. Phải, đó là những giai điệu kỳ lạ, từ một đứa trẻ mà thứ thanh âm duy nhất phát ra trước kia chỉ là tiếng gào thét mang dại. Đó cũng là lúc cô mong ngóng một sự thay đổi, một sự thay đổi kỳ diệu mà cô đã không thể tìm thấy, mặc dù phải đánh đổi mọi thứ có thể.

Khi gõ hết hầu như tất cả các cánh cổng trường nhưng không vị hiệu trưởng nào đồng ý cho thằng Thành nhập học, Thương và chồng cô mới nhận ra rằng, những hành vi bạo lực và cái tính nết kỳ lạ không thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa của thằng Thành không đơn giản là một sự ương bướng, ngỗ ngược. Chồng Thương buộc phải nghỉ việc, tìm cách điều trị cho thằng nhỏ, để cho Thương tiếp tục công việc yêu thích của cô. Nhưng tháng qua tháng, năm qua năm, mọi cố gắng đều vô ích, khi mọi can thiệp chỉ càng làm cho sự giận dữ gần như không giới hạn của thằng Thành bộc phát dữ dội hơn. Lúc cô nhìn chồng buông xuôi bất lực, chứng kiến thằng nhỏ đập đầu vào tường nhà như điên như dại, cũng là lúc kinh tế gia đình đã sa sút nghiêm trọng, buộc phải bán căn nhà đang ở để chuyển đến căn nhà khác nhỏ hơn, xa trung tâm thành phố. Ba má cô không ngừng bóng gió về thằng rễ lười nhác, bất tài, không lo nỗi cho vợ con, cùng những lời cay nghiệt cây độc sanh trái độc bên nội khiến gia đình cô không ít lần nghiêng ngả trên bờ vực li tán. Rồi sự ra đi đột ngột của người chồng tội nghiệp trong một tai nạn sập giàn giáo, chỉ sau một tuần anh trở lại nghề thầu khoán, đã giáng thêm một đòn nặng nề vào cái thể xác lẫn tâm hồn đã rệu rã cùng cực. Thứ níu giữ cô tiếp tục tồn tại là đứa con dở điên dở dại.

Không biết bao nhiêu lần hai mẹ con cô phải chuyển nhà để tìm kiếm những sự nhẫn nại. Không ai chấp nhận một sự hiện diện mang lại rủi ro cho những đứa trẻ của họ. Mà trong khi, cái sự rủi ro đó còn đi cùng những tiếng gào thét đinh tai nhức óc đến ám ảnh. Cô chỉ đơn giản tìm một nơi đủ bao dung để hai mẹ con nương tựa nhau mà đi tiếp quãng đường còn lại. Cho đến khi cô nhận ra những chuyển biến không ngờ của đứa trẻ, cô hiểu rằng, sự cô lập càng khiến cho nó chìm vào thế giới riêng, nó càng không thể bước chân vào cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Do đó, sự xa lánh của Bảo và đám trẻ trong khu phố đã khiến cho cô càng thêm chới với, mất phương hướng.

***

“Mày hại chết con trai tao, giờ muốn hại thêm cháu tao hay sao?”

Bà lão bặm môi, kéo thằng nhỏ khỏi chiếc ghế, mặc nó giẫy giụa, cùng hai thanh niên lực điền, tống lên ô tô, chạy mất hút, bỏ lại đằng sau người đàn bà vẫn ngồi thinh lặng, đầu tóc rũ rượi, bàng hoàng. Khi chiếc ô tô đã khuất sau những tòa cao ốc, từ căn nhà ngai ngái đậu nành, tiếng khóc đột ngột bật ra. Giống như dòng nước đã tìm được chỗ yếu nhược của con đê, xoáy sâu vào, thoát ra những tia nước mãnh liệt, nhưng vẫn không đủ sức phá toang con đê, mở rộng dòng chảy. Bảo quả quyết rằng tiếng khóc lúc này khác hẳn tiếng gào khóc đầy bất lực, xót xa mỗi buổi sáng trên con hẻm hôi hám. Nó đứt quảng, uất nghẹn, pha lẫn sự giằng xé, hụt hẫng.

Những ngày sau đó, Thương vẫn đon đả, niềm nở với khách mua hàng và khách mua vẫn xuýt xoa cái mùi thơm dậy lên từ miếng đậu nóng hôi hổi, rồi vội vàng rời đi, không còn tìm cách bắt chuyện dông dài để thỏa cái sự tò mò về cuộc đời kỳ lạ của cô, với lý do cho kịp bữa cơm nhà. Họ sợ phải trông thấy cái nụ cười méo xệch trên gương mặt đã cố tươi tỉnh nhưng vẫn không giấu nổi đôi mắt ầng ậng nước, chực trào ra, lúc nào cũng như nhìn vào khoảng không vô tận nào đó. Những câu chuyện rôm rả mối mai hay cái bỉu môi mỗi khi ai đó cam đoan mình phát hiện có gã trai tơ liếc mắt, đưa đẩy với Thương ở hàng đậu hũ dần được thay thế bằng những chủ đề ma mị.

“Con Thương mất trí rồi”

“Không, tui cam đoan nó bị vong ám. Hôm trước, tui ghé mua sữa đậu nành, thấy cái cách nó cười với tui mà muốn sởn gai ốc. Mắt sâu hoăm hoắm, mà hai hàm răng cứ nhe ra như ngạ quỷ.”

“Cứ ngỡ nó thoát được thằng con trời đánh để đi bước nữa. Ai dè…”

Khách hàng thưa vắng dần và cái sự kinh doanh xuống dốc của Thương trở thành bằng chứng xác thực cho những câu chuyện không đầu không cuối của cư dân phố hẻm.

Riêng Bảo, Bảo đã thôi cho rằng thằng nhỏ bị cướp đi cũng chính là một sự giải thoát cho một người đàn bà còn quá trẻ để chôn vùi đời mình theo cái cách mà không còn buồn thảm hơn được nữa. So với ánh mắt lúc nào cũng đầy nỗi chua xót, dõi theo đứa trẻ lắc lư, thì giờ đây nó đau đáu đến lạ, trống rỗng, mất mát hơn là những biểu hiện của sự hi vọng vào một sự khởi đầu mới, một cuộc đời mới. “Phải chăng, với nhiều người, hạnh phúc chỉ nảy mầm từ khổ đau, khi mà phép màu chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích. Vậy thì chỉ có sự bao dung ở đời mới giúp con người ta can đảm để sống tiếp, để đối diện với những điều không thể thay đổi, hoặc ít ra chưa đủ sức để thay đổi” – Bảo thầm nghĩ.

Khi tất cả cư dân khu phố đã gần như chắc chắn vào những điều mình nghĩ thì đột ngột, một buổi sớm, người ta nghe thấy tiếng cười man dại xen lẫn tiếng ầm ào của những vạt mưa dội vào mái tôn. Tất cả không ai bảo ai, mở toang cánh cửa, để nhận ra trong làn gió đầy hơi nước ướt át, cái mùi xú uế xộc đến ngột ngạt. Giữa đống rác vung vãi, tanh tưởi, thằng nhỏ bất trị, nhìn má nó lạch bạch đôi tông lào, dẫm những vũng nước tung tóe, mà lao về phía nó. Nó lắc lư, ê a điều gì không ai hiểu.

“Ti ta li la ti ta”

Li la ti ta li la”

Trên gương mặt hốc hác của người đàn bà, từ mớ tóc rũ rượi, nước chảy thành dòng, tuôn xuống đôi gò má nhô cao. Bảo không biết đó là nước mưa hay nước mắt, hay là cả hai. Nhưng thẳm sâu đôi mắt, Bảo dường như nhìn thấy tia sáng lấp lánh, trước khi mớ tóc buộc hờ rũ xuống, che khuất gương mặt người đàn bà tội nghiệp.

Theo Văn Chương Phương Nam

Có thể bạn quan tâm