Sau khoảng thời gian 1,5 năm che chắn kín để trùng tu, chùa Cầu ở đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đã giới thiệu ‘diện mạo’ mới.
Chiều 27.7, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đơn vị thi công dự án tu bổ di tích chùa Cầu (Lai Viễn kiều) ở TP.Hội An (Quảng Nam) đang tích cực hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị khánh thành công trình được xem là “biểu tượng linh hồn” của phố cổ Hội An dự kiến vào ngày 2.8 tới, nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 20.
Hiện di tích chùa Cầu hiện đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình…
Di tích chùa Cầu có “diện mạo” mới sau thời gian dài trùng tu.
Vài ngày qua, khi toàn bộ mái che được tháo dỡ, di tích chùa Cầu đã lộ diện cho người dân và du khách chiêm ngưỡng.Có thể dễ dàng nhận thấy di tích chùa Cầu sau khi tu bổ trở nên mới mẻ, sáng hơn bởi màu sơn, màu mái ngói và họa tiết trên mái ngói. Các ký tự cũng được sơn quét lại. Vì thế, nhiều người dân nhận xét di tích này kém phần “cổ kính” so với trước.
Dự án tu bổ chùa Cầu có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, thời gian thi công 360 ngày. Dự án khởi công từ ngày 28.12.2022, đến nay đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hạ giải hệ khung gỗ. Đồng thời, gia cố hệ móng, mố, trụ, tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan…
Điều đáng nói, quá trình trùng tu đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người về lịch sử của công trình hàng trăm năm tuổi này.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay không có căn cứ nào để khẳng định lòng chùa Cầu cong hay thẳng, nhưng lại triển khai trùng tu trước khi hạ giải là chưa đảm bảo cơ sở khoa học. Nguyên tắc quan trọng, lớn nhất của việc trùng tu là làm sao phải tiệm cận “phiên bản gốc”.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Thanh Niên ghi nhận về diện mạo mới của di tích chùa Cầu sau thời gian dài chắn kín để trùng tu: