Về trang chủ Xã hội Tin tức Bùng nổ mua sắm online: Từ tiện đến nghiện

Bùng nổ mua sắm online: Từ tiện đến nghiện

Trước dịch Covid-19, nhiều người còn chưa biết mua sắm qua mạng là gì. Thế nhưng hiện nay, mỗi ngày người Việt chi hàng ngàn tỉ đồng “chốt đơn” trực tuyến. Không chỉ những trang bán hàng nổi tiếng, mà những phiên livestream của cá nhân với doanh thu vài chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng cũng không còn hiếm hoi.

Ban đầu là “tiện”, dần dần thành nghiện

Đang ngồi cà phê với người bạn vào buổi chiều cuối tuần, anh Nguyễn Quốc Khánh, ngụ P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức (TP.HCM), nhận được tin nhắn từ người vợ sắp cưới, nói rằng thèm ăn chân gà Đông Tảo ủ muối. Anh Khánh lướt vào ứng dụng trên điện thoại, tìm thấy ngay một cửa hàng online chuyên bán gà ủ muối nhưng địa chỉ ở tận Hà Nội. “Giờ này sắp tối rồi mà còn mua bán gì nữa”, anh nghĩ thầm nhưng vẫn thử nhắn tin trò chuyện với người bán tên Nguyễn Thị Vân. Không nề hà yêu cầu gấp rút, chủ shop cam kết chân gà sẽ được vận chuyển ngay ra máy bay vào chuyến nửa đêm, sáng hôm sau sẽ tới tận cửa nhà khách. Anh Khánh chốt đơn, chuyển tiền cọc, đến sáng hôm sau, 2 kg chân gà Đông Tảo đã đáp máy bay đúng dự kiến và chỉ hơn 1 tiếng sau đó, đơn hàng đã hoàn thành.

Bùng nổ mua sắm online: Từ tiện đến nghiện- Ảnh 1.

Bùng nổ mua sắm online: Từ tiện đến nghiện- Ảnh 2.

Xu hướng mua sắm trực tuyến đang ngày càng bùng nổ

Không chỉ đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu khó, đi chợ online hiện nay còn mua được những mặt hàng khó kiếm từ các cửa hàng bên ngoài. Thời gian gần đây, sản phẩm thú bông chú thỏ răng nhọn Labubu (được sử dụng như một phụ kiện thời trang) lên cơn sốt, được săn lùng khắp thế giới. Labubu là hình tượng một nhân vật trong Vương quốc Quái vật từ thần thoại Bắc Âu. Sau nhiều lần thay đổi thiết kế, chú thỏ răng nhọn này có tạo hình thú bông bầu bĩnh đáng yêu, được sử dụng như phụ kiện đeo vào quần áo hoặc túi xách. Tại VN, giới trẻ cũng lùng sục tìm mua Labubu khắp nơi từ hiệu ứng phong cách của ca sĩ Lisa (BlackPink). Có mặt tại cửa hàng Popmart, chuyên phân phối Labubu, chúng tôi hỏi mua các sản phẩm chú thỏ răng nhọn và nhận lại cái lắc đầu của nhân viên phục vụ vì không có hàng. Nhưng khi thử tìm trên các chợ mạng thì thấy ngay cửa hàng tên TD Shop phân phối thỏ răng nhọn Labubu giá 1.200.000 đồng/con. Trong vòng 3 ngày đặt hàng, không cần phải đặt cọc trước, sản phẩm đã được đóng gói cẩn thận gửi tới người mua.

Cũng bởi nhiều tiện lợi, từ tập tành mua sắm online, nhiều người đã trở thành “nghiện” lúc nào không biết. Là giáo viên tiểu học, chị K.T.P.Nga (ngụ tại khu tập thể Nhà máy Z175, Hà Nội) trở thành một tín đồ của shopping online. Cứ lúc nào rảnh chị lại lên mạng xem livestream bán hàng trên Facebook và chốt đơn. “Tôi bắt đầu nghiện mua hàng trên mạng chắc cũng đã gần chục năm nay. Có ngày 3 – 4 đơn giao đến liên tục. Có lúc đang dạy học phải đưa cho ông xã hoặc con cầm điện thoại trực để nhận đồ hộ. Sau này mua nhiều nên shipper quen mặt, quen tên, có món đồ nào cần trả lại thì tôi cứ việc treo lên cửa kèm theo tiền ship, họ tự biết lấy mang đi, tiện lợi vô cùng”, chị Nga kể.

Hỏi chị mua đồ gì mà nhiều thế, chị Nga cười cho biết lúc đầu chủ yếu là mua quần áo, giày dép, sau này đến nồi, niêu, xoong, chảo, bát, đĩa, lọ hoa…; cái gì chị cũng “chốt” trên mạng.

Ở gần nhà chị Nga, bác N.T.L, cán bộ hưu trí, năm nay đã gần 80 tuổi, cũng là khách quen của “các anh thùng xanh”. Khi thì đôi giày thể thao, vợt bóng bàn, lúc thì áo khoác cho cháu, đến cả bình nước, máy tập thể dục, bác L. cũng chốt trên mạng. “Trước giờ đồ đạc, từ cái tăm trong nhà cũng toàn con cái sắm sửa cho, có phải lo gì đâu. Nhiều khi ông có tiền muốn mua gì cho cháu cũng chẳng biết. Giờ lên mạng thấy bao nhiêu thứ, thích gì tự mua đấy, người ta giao đến tận nơi. Còn gì bằng”, bác L. chia sẻ.

Người Việt chi 800 tỉ đồng mỗi ngày mua sắm qua mạng

Mua sắm qua mạng đã xuất hiện ở VN từ nhiều năm nay, nhưng thực sự bùng nổ có lẽ từ khi dịch Covid-19 ập đến gần 5 năm trước. Việc cách ly, phong tỏa phòng chống dịch khiến cả đầu cung và đầu cầu đều nhanh chóng chuyển từ mua sắm truyền thống ngoài chợ lên mạng. Đến khi dịch đi qua thì từ “tiện” đã thành “nghiện” vì sự tiện lợi và đa dạng của phương thức mua sắm này.

Theo báo cáo mới đây của Công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric (một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại VN), tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo trong nửa năm 2024 đạt 143.900 tỉ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm. Như vậy trung bình mỗi ngày người tiêu dùng VN chi tiêu xấp xỉ 800 tỉ đồng để mua sắm trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop. Con số thống kê này chưa tính toán đầy đủ các kênh bán hàng khác như Facebook, YouTube…

Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của NielsenIQ VN cho hay người tiêu dùng VN đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hằng tháng của người VN.

Theo Metric, Shopee là sàn thương mại điện tử được nhiều người sử dụng nhất, xếp sau là TikTok Shop và Lazada. Mặc dù tần suất mua hàng vài lần/tuần chiếm đa số, tuy nhiên báo cáo cho thấy khách hàng chủ yếu chỉ chi từ 300.000 – 500.000 đồng mỗi tháng để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. “Có thể lý giải cho hiện tượng này là do nhiều biến động của tình hình kinh tế hiện nay, thắt chặt chi tiêu vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng. Vì vậy, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền. Dẫu vậy, tỷ lệ khách hàng chi tiêu trên 2.000.000 đồng/tháng cho hoạt động mua sắm online đang bám sát phía sau, mức độ chênh lệch không nhiều”, báo cáo của Metric nhận định.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) nhận định thương mại điện tử bán lẻ sẽ tiếp duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo tổng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa cả năm 2024 có thể tăng khoảng 45% so với năm 2023, lên gần 30 tỉ USD, chiếm xấp xỉ 14% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước, tăng mạnh so với tỷ trọng trên 10% trong năm 2023.

Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử VN, phân tích: “Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan. Trong vài năm gần đây, dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Còn tính 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư khá lớn với mức độ ứng dụng công nghệ cao vào các trung tâm hoàn tất đơn hàng, xuất hiện mô hình trung tâm hoàn tất đơn hàng quy mô vừa chuyên phục vụ nhóm khách hàng nhỏ lẻ tại các thành phố lớn như Fulfillment Hub của Swifthub hoặc N&H Logistics tại TP.HCM. Những xu thế này sẽ thúc đẩy dịch vụ giao hàng ngày càng phát triển trong những năm sắp tới”.

Một báo cáo của Allied Market Research ước tính thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh VN dự báo sẽ đạt 4,88 tỉ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 24,1% trong giai đoạn 2022 – 2030.

Hàng gian, hàng giả, kém chất lượng vẫn còn

Mặc dù phát triển nhanh chóng, tuy nhiên theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn an ninh mạng Athena, thương mại điện tử ở VN hiện đang trở thành “sân chơi” của các tập đoàn nước ngoài, các DN Việt cạnh tranh rất khó khăn nên gần như vắng bóng. “Chính vì thả cửa cho các DN nước ngoài hoạt động nên việc quản lý chất lượng hàng hóa, quy trình hoạt động, hậu mãi cho người tiêu dùng khá khó khăn và thất thu thuế rất lớn. Trong khi các sàn quốc tế như Amazon, Alibaba, Ebay… đang thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa toàn cầu thông qua sàn điện tử thì chỉ số niềm tin của sàn thương mại điện tử của VN được quốc tế đánh giá thấp bởi hàng giả quá nhiều, thị trường trong nước lại đang bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài, điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến lợi thế xuất khẩu qua mạng trong tương lai”, ông Võ Đỗ Thắng nhận định.

Bùng nổ mua sắm online: Từ tiện đến nghiện- Ảnh 3.

Bao bì thân thiện môi trường là vấn đề thương mại điện tử phải giải quyết

Vấn nạn hàng nhái, hàng giả và quản lý thuế đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo xử lý, nhiều địa phương đã đưa vào chương trình hành động của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong thời gian gần đây và tần suất truy quét ngày càng dày đặc hơn. Đơn cử ngày 27.7, Tổng cục QLTT cho biết Cục QLTT tỉnh Quảng Nam vừa bàn giao vụ việc buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa cho Cơ quan CSĐT Công an H.Núi Thành (Quảng Nam) vụ mua bán hàng hóa từ Facebook “Tổng Kho Nước Giặt”. Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 11.928 sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả, bột giặt, kem đánh răng, dầu xả vải mang các nhãn hiệu Clear, Sunsilk, Dove, Omo, P/S, Close Up, Comfort của Công ty TNHH Quốc tế Unilever VN đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại VN.

Toàn bộ số hàng hóa này do bà T.T.T, ngụ xã Diễn Kim, H.Diễn Châu, Nghệ An, đặt mua trên mạng xã hội Facebook (có tên Tổng Kho Nước Giặt) để bán lại kiếm lời. Đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu là Công ty TNHH Quốc tế Unilever VN xác định hàng hóa trên không phải do công ty sản xuất hay cho phép tổ chức, cá nhân nào sản xuất. Do tổng trị giá hàng hóa vi phạm khá lớn, cơ quan QLTT xác định vụ việc có dấu hiệu phải truy cứu trách nhiệm hình sự nên đã bàn giao vụ việc cho cơ quan công an tiếp nhận, thụ lý theo thẩm quyền.

Mới đây, tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh N.N.K có đăng quảng cáo bán đồ lót nữ tại địa bàn H.Chợ Gạo (Tiền Giang), Đội QLTT số 4, Cục QLTT Tiền Giang, cũng phát hiện tại đây đang kinh doanh gần 5.200 sản phẩm đồ lót nữ các loại nhưng không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; không có hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa với giá trị hơn 105 triệu đồng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Hiệp hội Thương mại điện tử VN thừa nhận: “Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến ngày càng sôi động và đa dạng nhiều hình thức, loại hình và sản phẩm khác nhau theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Trong thời gian tới hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử, QLTT, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, thanh tra công nghệ thông tin và truyền thông, thanh tra khoa học và công nghệ… để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các bên tham gia thương mại điện tử”.

Là một trong những địa phương có lượng người tiêu dùng trực tuyến cao nhất nước, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM, khẳng định: “Trong thời gian tới, Cục QLTT các địa phương sẽ tiếp tục tăng cuờng hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Song song đó, Cục QLTT sẽ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là môi trường thương mại điện tử và công tác xử lý hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính…”.

Theo Nghị định số 08/2022 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1.1.2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni-lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn

50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 mm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Sau ngày 31.12.2030 sẽ dừng hẳn việc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm vi nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái VN), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni-lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm).

Quy định này sẽ tác động trực tiếp tới tất cả các sàn thương mại điện tử với hàng trăm nghìn thương nhân kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho biết rất ít DN thương mại điện tử và thương nhân biết tới quy định này và có các kế hoạch phù hợp để sử dụng các bao bì, vật liệu thay thế.

 

Cảnh báo rác thải từ thương mại điện tử

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM), thống kê cho thấy ở Hàn Quốc, rác thải do thương mại điện tử thải ra môi trường cao gấp 4,8 lần rác thải truyền thống. Còn tại Mỹ, mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton nhiều gấp 7 lần so với mua sắm truyền thống. Tại Trung Quốc, mỗi năm có hơn 70 tỉ kiện hàng giao dịch thương mại điện tử, trong đó đã sử dụng 11 triệu tấn bao bì carton, nhựa, và đã thải ra gần 2 triệu tấn chất thải nhựa.

Tại VN, chỉ riêng năm 2023, bán lẻ hàng hóa trực tuyến sử dụng 1,84 tỉ gói hàng hóa, khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306.000 tấn. Trong đó, hộp carton và túi ni-lông là loại bao bì phổ biến được các thương nhân sử dụng đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online. Đặc biệt, ngành thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% số người bán hàng sử dụng túi ni-lông, hộp, cốc nhựa để đóng gói. Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp ni-lông bong bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35% và hầu hết đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa…

Các chất thải này sẽ tác động đáng kể đến môi trường. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm, có thể đến năm 2030, quy mô thương mại điện tử VN sẽ gấp hơn 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800.000 tấn.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc cần phải có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường; phải thay đổi không chỉ từ những gói hàng mà ngay cả hành trình từ người bán tới người mua cũng cần phải xanh, bền vững hơn.

 

Bùng nổ mua sắm online: Từ tiện đến nghiện- Ảnh 4.

Có thể bạn quan tâm