Nỗ lực bắt đáy xuất hiện tại vùng 1.250 điểm giúp VN-Index hồi phục trở lại, có phiên đóng cửa trong sắc xanh. Dù vậy, thị trường vẫn chưa có được sự đồng thuận của nhóm vốn hoá lớn. Điểm sáng hiếm hoi ghi nhận trong ngành cao su.
VN-Index tiếp tục có phiên hồi phục nhẹ trong bối cảnh thị trường thiếu động lực dẫn dắt. Thanh khoản tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên trở lại đây.
Nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, quan sát thêm phản ứng của thị trường khi lượng hàng lớn (thanh khoản hơn 1,2 tỷ cổ phiếu) của phiên “bắt đáy” ngày đầu tuần (24/6) về tài khoản nhà đầu tư. Trạng thái cung cầu tương đối ổn định, dòng tiền gia tăng ở mốc 1.250 điểm.
Tuy nhiên, cùng với tâm lý thận trọng, dòng tiền không ghi nhận đột phá, thị trường rơi vào phân hóa. VN-Index đóng cửa tăng hơn 4 điểm, nhưng tại HoSE, số mã giảm lấn át với 216 cổ phiếu. Trạng thái này cũng bao phủ nhóm vốn hoá lớn VN30. Các ngành vốn hoá, thanh khoản cao có sức ảnh hưởng như ngân hàng, bất động sản… mất vai trò dẫn dắt.
Điểm sáng hiếm hoi ghi nhận trong ngành cao su, nhưng ảnh hưởng của nhóm này đến thị trường còn khiêm tốn, do vốn hoá chiếm tỷ trọng nhỏ. Tại nhóm cao su, GVR, DRC cùng tăng trần. GVR đóng góp hơn 2 điểm cho VN-Index.
Giá cao su tăng, lợi nhuận doanh nghiệp đang có nhiều tín hiệu khả quan. Hiện, giá cao su tự nhiên duy trì quanh vùng đỉnh cao nhất 2 năm, trong khi sản lượng của doanh nghiệp cao su trong nước cũng tăng. Chưa kể, tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp này cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao, việc tỷ giá tăng lại tác động tích cực.
Đà tăng của cổ phiếu vận tải biển nối dài với việc giá cước vận tải biển tăng vọt. Tình trạng ùn tắc đang diễn ra tại cảng container của Singapore kỳ vọng mở ra cơ hội cho các cảng Việt Nam.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,68 điểm (0,37%) lên 1.261,24 điểm. HNX-Index giảm 0,51 điểm (0,21%) xuống 239,68 điểm. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,07%) lên 98,9 điểm.
Thanh khoản tương đương phiên trước với giá trị khớp lệnh gần 15.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng, giá trị hơn 571 tỷ đồng, FPT vẫn là tâm điểm, bị xả ròng hơn 250 tỷ đồng.