Cách đây 70 năm, hàng chục ngàn lực lượng cách mạng tập trung về Cà Mau để tập kết ra Bắc. Tại các địa điểm tập kết, cán bộ, bộ đội đã gắn bó, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân và để lại những kỷ niệm không phai.
Nhớ hoài tình quân dân khăng khít
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 buộc Pháp và các bên liên quan phải ký kết Hiệp định Geneve. Theo Hiệp định, Nam bộ có 3 điểm tập kết và Cà Mau là tâm điểm, với thời gian tập kết 200 ngày, dài nhất.
Lực lượng cách mạng về Cà Mau tập trung ở khu vực dọc kênh xáng Chắc Băng (thuộc xã Trí Phải và Trí Lực của huyện Thới Bình ngày nay) để chờ đi tập kết. Theo Huyện ủy Thới Bình, lực lượng đến tập kết đã cùng phối hợp xây dựng thêm các trường học, trạm y tế; những người biết chuyên môn, có tay nghề trực tiếp tham gia bốc thuốc, dạy học.
Bên cạnh đó, còn tổ chức cất nhà mới cho gia đình chính sách; sửa nhà cũ cho dân nghèo,… Cũng có hàng nghìn thanh niên ra quân sửa cầu, đắp đường giao thông. Vì vậy, lực lượng về tập kết rất được người dân địa phương thương mến.
Cái chất Nam Bộ thể hiện tình thương cũng đặc biệt. Như gia đình cụ Năm Mênh (ở ấp 10 của xã Trí Phải) đã thịt luôn con trâu để đãi bộ đội. Cụ Năm Mênh mất đã lâu nhưng người con của cụ là bà Nguyễn Thị Mang (63 tuổi) từ nhỏ đến lớn không biết bao nhiêu lần đã nghe ba kể chuyện “mần trâu đãi bộ đội, ăn mừng chiến thắng”.
Bà Mang thuật lại: “Ba tôi nói nhà không phải giàu có nhưng khi các chú bộ đội về báo tin chiến thắng lớn thì vui quá. Ba nói thắng lớn phải ăn mừng lớn, với bộ đội về tập kết đông nên quyết định mổ trâu thiết đãi”.
Còn gia đình má Lê Thị Sảnh – người gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam, thấy bộ đội mang gạo về ăn mà bị mốc nên đã kêu con cái vào bồ xúc lúa mới đổi cho bộ đội ăn.
“Các chú bộ đội về ở ngoài vườn sau nhà tôi, nhà hồi đó nhà bằng cây lá chật hẹp lắm. Nhà có việc gì là các chú làm. Các chú bộ đội gọi nội tôi là má Tư, rồi dặn: “Nhà má Tư có việc gì cứ gọi tụi con làm cho, đừng có ngại”. Còn Nội tôi nói: “Không để bộ đội ăn gạo mốc”, rồi kêu má tôi xúc lúa đi đổi cho các chú. Nội với má còn làm bánh, nấu chè mang cho bộ đội. Nội thương bộ đội lắm” bà Đỗ Thị Lệ, (78 tuổi, hiện ở ấp 7, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) là cháu nội của má Sảnh kể lại.
Tự hào quê hương cây vú sữa miền Nam
Trong thời điểm tiễn bộ đội rời đi tập kết, một sự kiện rất đặc biệt đã diễn ra. Đó là, má Lê Thị Sảnh (còn gọi mẹ Tư Tố, sinh năm 1903, ở ấp 10, xã Trí Phải) đã trao cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên (Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh 370, Tiểu đoàn 307) cây vú sữa nhờ gửi đến Bác Hồ, với lời gửi gắm: “nhân dân Trí Phải luôn giữ vẹn lòng son với sự nghiệp cách mạng do Bác lãnh đạo”. Cây vú sữa được Bác Hồ trồng cạnh nhà sàn và thường xuyên chăm sóc.
Người dân xã Trí Phải nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung rất tự hào về điều này. Để ghi nhận sự kiện má Sảnh gửi tặng Bác cây vú sữa, tỉnh Cà Mau đầu tư nâng cấp, tu bổ công trình bia kỷ niệm “Bác Hồ và cây vú sữa miền Nam”. Vào ngày 12/11 vừa qua, cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức lễ khánh thành bia kỷ niệm và công bố quyết định xếp nhận di tích cấp tỉnh.
Ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, hình ảnh má Sảnh gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa thể hiện tấm lòng của người dân miền Nam đối với Bác và đối với đồng bào miền Bắc; qua đó cũng như thể hiện lời hứa Bắc – Nam là một. Mặc dù, khi đó tình hình có khó khăn nhưng người dân Cà Mau cũng như đồng bào miền Nam luôn một lòng sắt son với Đảng, với Bác.
Cây vú sữa được trồng cạnh nhà sàn như hình bóng đồng bào miền Nam ở bên cạnh Bác. Hàng ngày, cây vú sữa được Bác Hồ chăm sóc, điều đó cũng thể hiện tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt.
Dọc kênh xáng Chắc Băng, huyện Thới Bình là khu vực tập trung lực lượng các tỉnh về để đi tập kết. Tuy nhiên, đa số tàu chở người ra Bắc không thể vào nên Ban Chuyển quân của ta và Pháp cùng phối hợp trung chuyển quân. Cứ khoảng 7-10 ngày sẽ có một chuyến chuyển quân ra các tàu lớn của Ba Lan, Liên Xô đang đợi sẵn ở bờ sông Ông Đốc (nay thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn thời).
Điểm tập kết – di sản Quốc gia
Với số lượng người đông đến cả vạn về cửa sông Ông Đốc tập kết, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân trong huyện Trần Văn Thời đã không tiếc của cải, đóng góp hàng ngàn tấn lương thực và thực phẩm để chung lo trong những ngày đầu đất nước hòa bình.
Dù nhà chật hẹp, bà con vẫn nhận nhiều cán bộ, chiến sĩ vào ở. Đàn ông, thanh niên tham gia chặt cây lá cất các trại làm chỗ nghỉ ngơi; còn phụ nữ tập trung ngâm gạo, xay bột làm bánh chuối, bánh tét, lá dừa gửi cho lực lượng tập kết.
Theo ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, các địa phương của Huyện Trần Văn Thời nói chung và tại khu vực sông Ông Đốc nói riêng khi đó còn nhiều bộn bề, nhưng Đảng bộ, quân và dân địa phương đã khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương tiếp đón những người con của miền Tây Nam Bộ về đây đi tập kết.
Các lực lượng chức năng khác cũng về hỗ trợ và đã thật sự hết mình, dốc sức cùng lo chu toàn việc ăn, ở, sinh hoạt cho lực lượng cách mạng. Người dân và bộ đội, cán bộ có thời gian quây quần bên nhau như những người ruột thịt trong gia đình.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tỉnh Cà Mau đã chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động dịp kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc. Vào đầu năm nay, Cụm công trình Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954 đã được khởi công xây dựng và khánh thành ngay dịp tổ chức lễ kỷ niệm ngày 16/11.
Cụm công trình được xây dựng tại bờ Nam cửa biển Sông Đốc. Đây là công trình văn hóa lịch sử có tổng diện tích 10,8 ha, gồm nhiều hạng mục, trong đó tượng đài chính với biểu tượng chiếc tàu và các mảng phù điêu cách điệu chạm khắc hoa văn nhằm tái hiện, khắc ghi dấu ấn lịch sử về sự kiện tập kết năm 1954.
Với giá trị và ý nghĩa lịch sử của sự kiện tập kết, Bộ VH-TT&DL đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc; bổ sung vào Di tích “Các địa điểm thuộc xứ uỷ Nam bộ – Trung ương Cục miền Nam (Giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955)”.
Phát biểu trong lễ khánh thành cụm tượng đài và công bố xếp hạng di tích quốc gia vừa qua, ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Chính quyền địa phương cùng với các ngành có liên quan, cần khẩn trương có phương án quản lý, giữ gìn và phát huy công trình một cách hiệu quả, thiết thực; cần khai thác các giá trị của di tích để phục vụ du lịch, phát triển kinh tế biển.
Sự kiện kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc năm 1954 được tỉnh Cà Mau tổ chức từ ngày 9 – 21/11. Sự kiện gồm nhiều các hoạt động: Giải Marathon – Cà Mau 2024 Cúp Petrovietnam; Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam; Hoạt động tái hiện 200 ngày tập kết ra Bắc; Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau – tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”; Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích quốc gia với Địa điểm tập kết ra Bắc tại bờ Nam Sông Đốc. Ngoài ra, còn có các hoạt động Ngày hội thả diều nghệ thuật; Hội chợ thương mại và Ngày hội đua vỏ lãi, đều được tổ chức tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. |