Hôm qua (7/7), Kon Tum ghi nhận 14 trận động đất chỉ trong một ngày, là ngày có số trận động đất nhiều nhất ở khu vực này, kể từ khi động đất kích thích xuất hiện. Trong sáng nay (8/7) khu vực này ghi nhận thêm một trận động đất.
Trận động đất đầu tiên xảy ra vào lúc 9 giờ 31 phút 31 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 3.9 tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, mở đầu cho chuỗi trận động đất liên tiếp xảy ra liên tục sau đó. Có thời điểm, chỉ trong vòng hơn 30 phút, bốn trận động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực này.
Hai trong số 14 trận động đất ngày hôm qua ở Kon Tum có độ lớn từ 4.0. Trong đó, trận động đất lúc 9 giờ 48 phút 02 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 4.2, có khả năng gây rung chấn ở một khu vực rộng lớn trên mặt đất.
Theo số liệu của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trong hơn hai năm qua, kể từ khi động đất kích thích xảy ra, chưa có ngày nào khu vực này lại ghi nhận nhiều trận động đất như hôm 7/7. Điều đó cho thấy, động đất kích thích ở khu vực này đang trong chu kỳ hoạt động mạnh.
Kon Tum và khu vực Tây Nguyên rộng lớn từng là nơi có hoạt động địa chấn tương đối ổn định, trong vòng hơn một thế kỷ, từ năm 1903 đến 2020, khu vực này chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất nhỏ, từ 2.5-3.9 độ.
Tuy nhiên, từ khi thủy điện Thượng Kon Tum hoạt động tích nước (cuối tháng 3/2021), động đất bắt đầu xảy ra dồn dập ở khu vực này.
Theo các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu, động đất kích thích xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoạt động, gây sức ép lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn quy luật tự nhiên.
Tính trong hơn 2 năm qua, hàng trăm trận động đất đã được ghi nhận. Trong đó, trận mạnh nhất có độ lớn 4.7, gây rung chấn cho một khu vực rất rộng lớn ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum nằm trên đứt gãy Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên – Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định).
Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này tích nước hồ chứa. Trong đó, động đất kích thích ở thủy điện sông Tranh 2 kéo dài 10 năm, từng gây xáo trộn đời sống người dân trong khu vực. Trong khi đó, động đất kích thích ở Đắk Đrinh xảy ra ngắn hơn.
Với động đất kích thích ở Kon Tum, PGS Cao Đình Triều cho rằng, các trận động đất sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, chu kỳ hoạt động liên quan chặt chẽ đến quá trình tích nước hồ chứa thủy điện.
Tuy nhiên, PGS Triều cũng cho biết, tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum, động đất tự nhiên cực đại được nhận định có thể đạt khoảng 5.9 độ, động đất kích thích cực đại thấp hơn, có thể dưới 5 độ.
Vì vậy, trận động đất mạnh 4.7 độ có thể là kích động chính (trận động đất có cường độ mạnh nhất trong chuỗi các trận động đất kích thích) của hoạt động động đất kích thích ở khu vực này. Theo quy luật, sau kích động chính sẽ xảy ra thêm nhiều trận động đất khác nhưng cường độ nhỏ hơn.
Lúc 5 giờ 08 phút 09 giây sáng nay (8/7), một trận động đất có độ lớn 3.0 tiếp tục xảy ra huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Ngoài ra, trong hôm qua (7/7), một trận động đất có độ lớn 3.1 cũng xảy ra tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nằm sát huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Hai năm qua, ngoài khu vực huyện Kon Plông, các huyện lân cận trong hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi cũng ghi nhận một số trận động đất.
Theo Báo Tiền Phong