Về trang chủ Chưa được phân loại Nước mắm: Lại bị làm khó với tiêu chuẩn lạ?

Nước mắm: Lại bị làm khó với tiêu chuẩn lạ?

Như cảnh báo mới được đưa ra, đang có một dự tính đưa ngưỡng histamine dưới 400 ppm/lít vào quy chuẩn nước mắm. Như vậy chỉ có lợi cho nước mắm công nghiệp, còn nước mắm truyền thống sẽ tiếp tục gặp “kiếp nạn”, đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện nay đang có một dự thảo để đưa ngưỡng histamine dưới 400 ppm/lít vào quy chuẩn nước mắm.

Nếu ban hành quy chuẩn theo dự thảo như vậy (những người đọc bản dự thảo này cho bà Hạnh biết là đang chuẩn bị công bố – PV) thì xem ra “kiếp nạn” của nước mắm truyền thống (NMTT) vẫn còn dài. Bởi lẽ, đối với quy định của Nhà nước, tiêu chuẩn là tự nguyện, DN có thể chấp nhận hay không, tuy nhiên với quy chuẩn lại là bắt buộc.

Nước mắm truyền thống đang gặp nhiều trở ngại trong việc tồn tại.

Bóng ma histamine
NMTT làm bằng cá thì có đạm, đạm càng cao thì histamine càng vượt ngưỡng 400 ppm/ lít. Chỉ có nước mắm công nghiệp là không có hay có rất ít histamine. Quy định đó được cho là có lợi và đảm bảo “an toàn tuyệt đối” cho nước mắm công nghiệp, còn NMTT có thể sẽ phải “chết” hàng loạt vì quy chuẩn bắt buộc như thế.

“Chúng tôi không cam tâm việc đó. Vì thực ra NMTT vẫn tiếp tục phải sống thôi, nếu như ban hành quy chuẩn về ngưỡng histamine 400 ppm/lít thì những người làm NMTT có thể trở thành người phạm pháp, trở thành một loại sản phẩm không được pháp lý công nhận trên thị trường”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành cho rằng: Nếu quy chuẩn quốc gia về nước mắm mà trong đó quy định ngưỡng histamine dưới 400 ppm/lít thành hiện thực thì chắc chắn NMTT sẽ bị xóa sổ, kể cả thương hiệu mạnh như nước mắm Phú Quốc, sẽ chỉ còn nước mắm công nghiệp.

Trên thực tế, theo ông Thành, trước đây ông từng đề nghị loại bỏ histamine ra khỏi tiêu chuẩn hay quy chuẩn nước mắm vì rất vô lý. NMTT do độ đạm cao (30-40 độ đạm hay hơn nữa), nên xưa nay lượng histamine cao là chuyện bình thường. Nước mắm xuất khẩu vào thị trường Mỹ hay châu Âu cũng không yêu cầu như vậy, họ không quan tâm đến histamine.

“Bằng chứng là châu Âu cấp bảo hộ về NMTT cho nước mắm Phú Quốc. Trong khi châu Âu nổi tiếng là khắt khe nhất mà họ còn không để mắt đến lượng histamine trong nước mắm, còn chúng ta lại lăm le đưa histamine vào quy chuẩn quốc gia về nước mắm, đó là tự thắt cổ mình”, chuyên gia Vũ Thế Thành bức xúc nói.

Quá nhiều cam go
Ngoài vấn đề histamine, các DN sản xuất nước mắm thời gian qua còn chịu nhiều khổ ải về việc phải bổ sung i-ốt và các vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm thực phẩm theo như yêu cầu của Nghị định 09/2016/NĐ-CP. Nếu áp dụng quy định này, Hội nước mắm Phú Quốc lo ngại không giữ được quy trình sản xuất đã được bảo hộ tại thị trường châu Âu mà các DN đã rất vất vả mới có được.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, đặt vấn đề nếu thực hiện Nghị định 09 thì quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc vốn đã được châu Âu bảo hộ thì phải làm như thế nào. Bởi lẽ, khi áp dụng như Nghị định 09 thì khả năng chất lượng sản phẩm nước mắm bị ảnh hưởng bởi màu, mùi, vị, sẽ gây ảnh hưởng đến giá trị kinh tế.

Theo bà Liên, i-ốt là chất dễ bay hơi trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, nước mắm Phú Quốc dễ bay hơi trong môi trường tự nhiên và thực chất là trong nước mắm này đã có chất i-ốt từ lượng muối dùng để ủ chượp nên không cần thiết phải bổ sung thêm.

Giới chuyên gia lưu ý nếu áp dụng việc bổ sung vi chất dinh dưỡng thì hậu quả kéo theo là NMTT sẽ khó xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường khó tính. Chưa kể, nếu bổ sung vi chất, sản phẩm sẽ khó cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu.

Thị trường nước mắm Việt được định giá vào khoảng 0,5 tỷ USD với hơn 70.000 tấn nước mắm được sản xuất/năm. Mỗi năm, hơn 300 triệu lít nước mắm được tiêu thụ, trong đó 75% là nước mắm công nghiệp, còn lại là NMTT; trung bình một người dân Việt Nam tiêu thụ 4 lít.

Giá trị một chai nước mắm công nghiệp vào khoảng 1 – 2 USD, trong khi NMTT độ đạm cao và thuần chất, có thể lên tới 9 USD/ chai. NMTT sản xuất theo phương pháp thủ công, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, thời gian dài, rất công phu nên giá thành cũng vì thế mà cao hơn nước mắm công nghiệp.

Từ việc lợi nhuận và cạnh tranh gay gắt, trước đây, một số trường hợp đã tạo ra các chiến lược truyền thông tấn công vào NMTT như việc đánh lận con đen giữa hai khái niệm Arsen hữu cơ và Arsen vô cơ. “Sự cố Arsen” cho rằng có thạch tín độc trong NMTT sở dĩ gây dư luận lớn vì nó được coi như đánh mạnh vào thị phần vốn ít ỏi của các DN sản xuất NMTT vốn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tồn tại và tái chiếm thị phần.

Ngay như ở “thủ phủ” của NMTT là Phú Quốc, từ 80 DN vào năm 2014 đến nay, Hội Nước mắm Phú Quốc chỉ còn 58 thành viên do cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường khiến nhiều DN phải bỏ cuộc.

Cho nên, việc trụ vững trên thị trường nước mắm của NMTT là đầy cam go. Nhưng không hiểu tại sao lại còn dự tính “đẻ” ra thêm quy chuẩn bất hợp lý có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến ngành NMTT để làm gì?
Theo Thoibaokinhdoanh

Gia Lai: Doanh nghiệp hứa mua biến mất, 14.000 tấn khoai lang Nhật chờ giải cứu

Australia: Người vợ đòi bồi thường gần 20 tỷ cho khoản thiệt hại tình dục

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Tái khởi động, hoàn thành cuối năm 2019

Chứng khoán: Rực đỏ sau diễn biến bất ngờ cuộc gặp Trump-Kim

Có thể bạn quan tâm