Về trang chủ Chưa được phân loại Minh Phú: Vướng nghi vấn tránh thuế chống bán phá giá ở Mỹ

Minh Phú: Vướng nghi vấn tránh thuế chống bán phá giá ở Mỹ

Minh Phú khẳng định thông tin họ nhập tôm đông lạnh Ấn Độ để xuất sang Mỹ là “một chiều và chưa có bằng chứng”.

Ngày 12/5/2019, đại diện của bang Illinois, ông Darin LaHood, nhận được một đơn kiện bằng thư điện tử cáo buộc một doanh nghiệp của Việt Nam là Minh Phú có hành vi tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ. Theo đó, lá đơn tố cáo Minh Phú mua một lượng lớn tôm đông lạnh của Ấn Độ, chế biến ở mức “tối thiểu” tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam.

“Dựa trên thông tin trên, tôi yêu cầu Cục Hải quan và Biên Phòng Mỹ (CBP) điều tra xem một nhà nhập khẩu Mỹ và các công ty liên quan ở Việt Nam có trốn thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ấn Độ hay không” -ông LaHood viết trong bức thư gửi cho ông Kevin McAleenan -Ủy viên Cục Hải quan và Biên phòng. Ông cũng đề nghị cơ quan này phải dán nhãn hàng hóa nếu như có sự việc xảy ra đúng như trong đơn kiện.

Một đơn kiện bằng thư điện tử cáo buộc một doanh nghiệp của Việt Nam là Minh Phú có hành vi tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với báo chí, Minh Phú cho biết vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin, yêu cầu nào từ CBP hay cơ quan nào của Chính phủ Mỹ về cáo buộc trên. Hiện, Minh Phú vẫn hoạt động xuất khẩu tôm, thông quan vào Mỹ bình thường.

Cũng theo Minh Phú, yêu cầu trên của Ngài Nghị sỹ LaHood mới dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một quyết định hay kết luận của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, Minh Phú thừa nhận đã nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng chiếm khoảng 10% lượng tôm đầu vào sản xuất. Việc nhập khẩu này để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác.

Theo đại diện Minh Phú, không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.

Thuỷ sản Minh Phú cho biết, từ năm 2004, công ty đã trải qua hơn 10 năm tham gia điều tra chống phá giá do Bộ Thương mại Mỹ tiến hành và luôn được đánh giá là hợp tác đầy đủ và có hệ thống lưu trữ báo cáo số liệu chi tiết tốt được Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận.

Tỷ trọng tôm xuất khẩu sang Mỹ của Minh Phú đang giảm. Quý I, lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt khoảng 33% trên tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng trên 41% của năm 2015. Sự suy giảm này do Minh Phú không đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ mà vẫn tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Theo ông Darin LaHood, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bắt đầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác vào năm 2005. Tuy nhiên, tháng 7/2016, họ đã thu hồi các nghĩa vụ này với Minh Phú và không yêu cầu cung cấp thông tin và dữ liệu về sản xuất, không phải chịu các chuyến thăm kiểm tra hàng năm của các quan chức DOC.
Theo VNE

Phim Vợ ba: Động trời khi bản phim công chiếu khác với bản đã được cấp phép

Trịnh Sướng: 19,5 triệu lít xăng giả ra thị trường, nhiều câu hỏi chờ lời đáp

Có thể bạn quan tâm