Về trang chủ Xã hội Giáo dục Dự thảo chỉnh sửa SGK Cánh Diều: Nhiều góp ý thiết thực

Dự thảo chỉnh sửa SGK Cánh Diều: Nhiều góp ý thiết thực

Nhiều ý kiến góp ý ủng hộ sự thay đổi của Dự thảo điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều.

Sau 5 ngày Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM công bố dự thảo chỉnh sửa, bổ sung SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều lên mạng xã hội trước khi Hội đồng thẩm định họp cho ý kiến, nhiều thầy cô giáo đã gửi nhận xét, đánh giá, góp ý thẳng thắn về dự thảo chỉnh sửa.

Đa phần ý kiến ủng hộ sự cầu thị, chỉnh sửa từ nhóm biên soạn. Cạnh đó cũng có nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn SGK Tiếng Việt 1 sẽ được chỉnh sửa cụ thể hơn.

Giáo viên Danh Kim Pha, Trường tiểu học và THCS Trần Văn Ơn, xã Bom Bo, Bù Đăng, Bình Phước, góp ý: Nội dung trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều đã rất phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với việc dạy học, phân hóa học sinh.

Còn một thầy giáo ở Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An cũng đánh giá dự thảo điều chỉnh khá phù hợp và khắc phục được các nội dung chưa tốt, chưa phù hợp trước đây.

Góp ý với dự thảo chỉnh sửa về việc dùng âm vần, cô Lê Thị Liễu, Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, xã Bàu Hàm 2, Thống Nhất, Đồng Nai, đánh giá sách đã hay và sẽ hay hơn nữa với thiện chí cầu thị.

“Theo tôi, khi các cháu bắt đầu vào lớp 1 thì âm, chữ, tiếng từ nào cũng đều mới với các cháu cả. Việc hiểu nghĩa của các cháu cũng  thật đơn giản. Vì vậy trong SGK có một vài ngữ liệu có thể phù hợp với vùng này, không phù hợp với vùng kia đó là việc tất yếu (SGK cũ cũng vậy) vì vậy chúng ta có thể chọn từ cùng nghĩa, gần nghĩa để giải thích cho các cháu nhằm cung cấp thêm vốn từ.

Trong Dự thảo tài liệu điều chỉnh và bổ sung SGK Tiếng Việt Cánh Diều, một số ngữ liệu có thể chọn để điều chỉnh là:

* Về câu từ:- Hổ nhờ thỏ kê đồ – Thỏ lỡ xô đổ ghế (không điều chỉnh vì nghĩa câu từ này nhẹ nhàng hơn)- Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia – Giữa trưa, rùa đã…- Tổ của nó đẹp lắm – Có kẻ đã tha gà – Cả xóm ùa ra,…

* Về các bài tập đọc, theo tôi chỉ cần điều chỉnh bài: Quạ và chó – Phố Thợ Nhuộm Các bài còn lại đều ổn. Vì thực tế HS lớp 1 cảm nhận những bài đọc về con vật nhanh hơn những bài văn miêu tả” – cô Pha góp ý.

Còn cô giáo Hà Thị Hiền Vân, Trường Tiểu học Xuân Huy, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, góp ý cần sửa độ rộng của một số nét trong quyển Luyện viết. Ví dụ: từ q nối sang u, từ c nối sang o, từ o, ô, ơ nối sang p, từ o, ô, ơ nối sang t..

Cô Nguyễn Thị Lợi, Tân Phú, Đồng Nai thì cho rằng, phần học vần có thể cho học sinh sử dụng bộ chữ để ghép vần mới học tìm tiếng có vần mới học. Nên cho một quy trình mẫu nhất định cho mỗi loại bài.

Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Trảng Bàng, Tây Ninh nhận xét Dự thảo: Bài đọc: ” Phố thợ nhuộm ” nghe có vẻ khó hiểu, sao không viết là “Thợ nhuộm ở phố”

“Tôi thấy môn Tiếng Việt ở phần học chữ chưa có bài dạy riêng về chữ “ă, â”. Trong quá trình dạy học vần học sinh thường xuyên quên và nhầm 2 chữ này. Rất mong các tác giả cho bài riêng về 2 chữ ă, â để học sinh nắm chắc hơn” – giáo viên Trường tiểu học, THCS Thanh Lâm Thôn Đồng Thầm – xã Thanh Lâm – huyện Ba Chẽ – tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến.

Việc lấy ý kiến cho Dự thảo chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu SGK Cánh Diều vẫn tiếp tục diễn ra cho đến ngày 20-11. Ngày 21-11, Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức thẩm định dự thảo chỉnh sửa, đóng góp ý kiến trước khi có bản chính thức và bổ sung cho các trường.

Theo Pháp luật

Có thể bạn quan tâm