Về trang chủ Văn hóa Ẩm thực Độc đáo lễ cúng rừng của người Jrai ở Gia Lai

Độc đáo lễ cúng rừng của người Jrai ở Gia Lai

Già làng Siu Tơr ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (Gia Lai) cẩn thận sửa soạn đồ lễ rồi lầm rầm những câu khấn từ xa xưa, khẩn tới thần rừng, tới Yàng (trời), cầu cho cộng đồng bình an, rừng được giữ, mùa màng tươi tốt.

Đã thành lệ từ bao đời nay, cứ vào độ tháng 3, cộng đồng Jrai ở hai làng O Grang và De Chí, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (Gia Lai) lại chuẩn bị đồ lễ vào rừng xa thực hiện nghi thức cúng rừng.

Từ sáng sớm, già trẻ lớn bé mang theo nào cơm lam, gà nướng, ghè rượu… tiến vào rừng. Nói chung, lễ cúng cũng tùy tâm. Mùa rồi bội thu nên lễ cúng năm nay có phần tươm tất hơn. Và thêm một hoạt động văn hóa nữa không thể thiếu trong ngày lễ, đó là những giai điệu cồng chiêng với các tay chiêng sẵn sàng trổ tài.

Già làng Siu Tơr đang chuẩn bị lễ cúng rừng

Với lễ cúng rừng, họ mang theo ước vọng về một năm mới với mùa màng bội thu, cộng đồng sức khỏe, có nhiều điều may. Đây cũng là lệ tục mà họ kế thừa của ông bà từ bao đời nay, bảo ban con cháu giữ rừng, cảm ơn thần rừng đã giúp cho họ có thêm sinh kế.

Vài năm trở lại đây, chính quyền và lực lượng kiểm lâm huyện Ia Grai (Gia Lai) đã cùng chung tay, hỗ trợ để lễ cúng rừng thành một hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Nhiều người dân ở các nơi khác khi biết có lễ cúng rừng cũng tìm đến.

Chuẩn bị vào hội

Già làng Siu Tơr, năm nay gần 70 tuổi, người chủ trì lễ cúng cho biết: “Lễ cúng rừng này được dân làng lưu giữ từ xưa đến nay. Cứ chừng tháng 3, mọi người thường họp làng để bàn việc và tổ chức nghi lễ cúng rừng. Những năm vừa rồi chính quyền đã hỗ trợ, quan tâm nên lễ cúng rừng cũng tươi vui và hàng trăm bà con, du khách cùng tham dự”.

Theo già làng Siu Tơr, lời khấn trong lễ cúng rừng được truyền miệng qua các đời, do ông bà để lại. Đấy là khẩn cầu của người làng thêm một năm gặp nhiều may mắn, bình an, không có bệnh tật, dân làng lên rừng làm rẫy, bắt chuột được thần rừng che chở…

Cơm lam đã sẵn sàng

“Dân làng cũng biết nếu rừng mất thì lũ lụt từ trên rừng sẽ đổ xuống phá đồng ruộng, buôn làng; nắng nóng sẽ làm cho cây lúa trên rẫy không mọc được, vì vậy dân làng đã cùng nhau trồng thêm cây xanh, không phá rừng”, già làng Siu Tơr nói.

Lễ cúng rừng có nhiều khách từ các địa phương khác tìm đến

Tình yêu rừng, yêu thiên nhiên được nhen lên, gìn giữ từ các cộng đồng từ bao đời nay thể hiện ở lệ tục đẹp này. Ông Đinh Ích Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai nói: “Người dân địa phương nhận thức được những lợi ích từ rừng với nguồn lâm sản phụ dồi dào, tạo môi trường, không khí trong lành. Khi bà con đã hiểu, công tác bảo vệ và phát triển rừng được thuận lợi hơn.”

Thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn được huy động chuẩn bị lễ cúng

Có mặt chung vui lễ với bà con, ông Đào Lân Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai chia sẻ: “Chúng tôi luôn quan tâm đến các hoạt động tâm linh văn hóa gắn với việc bảo vệ rừng như thế này. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng nghi thức cúng rừng ra các xã, đặc biệt là những vùng ‘nóng’ về tình trạng xâm hại rừng. Chúng tôi rất mừng khi người dân trong làng đã dẫn con cháu đến tham dự buổi lễ. Điều này thể hiện những sự tiếp nối các thế hệ trong việc bảo vệ rừng”.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm