Về trang chủ Xã hội Đấu thầu qua mạng: Ánh sáng từ những “khoảng tối”

Đấu thầu qua mạng: Ánh sáng từ những “khoảng tối”

Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) được triển khai ở nước ta từ năm 2016 theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025”. Sau hơn 4 năm triển khai chính thức, ĐTQM cơ bản đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, góp phần công khai các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, thực tế thì ĐTQM lại chưa phải là “chiếc đũa thần kỳ” để chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu có thể giải quyết bài toán cạnh tranh công bằng, minh bạch với hiệu quả kinh tế như mong đợi. ĐTQM đây đó vẫn còn “khoảng tối” khi những người có trách nhiệm chưa thật sự công tâm, khách quan, chưa thật sự “nói không” với “cơ chế” cho các nhà thầu “thân hữu”… ĐTQM còn đang thể hiện những bất cập không nhỏ cho đối tượng là “chủ đầu tư” trong hoạt động đấu thầu này.

Bệnh viện phụ sản Hà Nội

Như trường hợp mới đây nhất, dư luận xôn xao trước thông tin một vài tờ báo điện tử đăng tải nội dung thể hiện nghi vấn “có sai phạm trong các gói thầu siêu tiết kiệm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”. Người viết bài đã liệt kê hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế tại bệnh viện này và bày tỏ hoài nghi về sự minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư công. Điều đáng nói là, tất cả các gói thầu được đặt trong diện “nghi vấn” có sai phạm mà báo chí nêu, đều là những gói thầu được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành ĐTQM?

Quá trình tìm hiểu về các gói thầu được ĐTQM tại Bệnh viện này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện. Ông Ánh cho biết, quán triệt yêu cầu của UBND TP. Hà Nội về việc nghiêm túc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2020, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện khoảng 60% các gói thầu trên môi trường mạng. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ thực hiện thêm các gói thầu khác qua mạng, nhằm tiếp tục đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và giá thầu.

Trao đổi chi tiết hơn về 6 gói thầu vật tư y tế hiện đang có những “lùm xùm” không đáng có trên truyền thông, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh giãi bày: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai các gói thầu trên theo đúng các quy định của Nhà nước. Theo đó, giá trúng thầu được xác định thông qua đấu thầu. Nhà thầu nào có hồ sơ dự thầu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; đồng thời có giá chào thầu của toàn bộ gói thầu là thấp nhất và thấp hơn giá gói thầu, sẽ được Bệnh viện xem xét trúng thầu.

Giám đốc bệnh viện khẳng định: 6 gói thầu nêu trên đều có mức giá trúng thầu sát với giá gói thầu, nên phần chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá gói thầu (tiết kiệm trong đấu thầu) không nhiều. Điều này là hoàn toàn bình thường, bởi thực tế trong hệ thống các văn bản pháp quy hiện hành, không có quy định nào về tỷ lệ tiết kiệm cần phải đạt được của các gói thầu.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh nhấn mạnh quan điểm, khi Bệnh viện triển khai ĐTQM, cứ nhà cung cấp nào có giá rẻ nhất, hàng hóa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chủng loại thì Bệnh viện sẽ mua. Ảnh minh họa

Bệnh viện công khai toàn bộ giá trên mạng, nên các doanh nghiệp đều bình đẳng trong việc tính toán để ra giá bỏ thầu. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa ra mức giá chỉ thấp hơn giá kế hoạch của bệnh viện một chút, thậm chí bằng giá kế hoạch của bệnh viện, để trúng thầu.

Ông Ánh đánh giá rằng hiện các doanh nghiệp còn chần chừ, chưa chủ động tìm hiểu về các cơ hội tham gia thị trường mua sắm công thông qua ĐTQM. Điều này lý giải tại sao trong các gói thầu tại Bệnh viện này, nhiều gói thầu chỉ có một đơn vị bỏ thầu. Mà khi chỉ có một đơn vị bỏ thầu thì Bệnh viện sẽ vẫn phải chấp thuận theo quy định, chứ không cần phải có nhiều đơn vị cùng bỏ thầu, ai thấp hơn thì trúng thầu như cách hiểu truyền thống.

Khi được hỏi về thông tin báo chí đăng tải liên quan đến các gói thầu của Bệnh viện, có trường hợp cá nhân đứng tên trong hồ sơ thầu, chứ không phải doanh nghiệp? Ông Nguyễn Duy Ánh lý giải: Việc này hoàn toàn bình thường, doanh nghiệp đăng ký tên Giám đốc của họ với cách thức ĐTQM và tham gia gói thầu, chứ không lấy tên doanh nghiệp. Việc Giám đốc đứng tên gói thầu không sai vì có mã số thuế, có đăng ký kinh doanh. Họ hoàn toàn là đơn vị có tư cách pháp nhân. Bệnh viện mua các thiết bị y tế của các nhà thầu đủ điều kiện tham gia hệ thống đấu thầu quốc gia, chứ không mua bán hàng với bất kỳ đơn vị không có tư cách pháp nhân nào.

Khi triển khai các kế hoạch, dự toán mua sắm trang thiết bị y tế, Bệnh viện đều căn cứ vào định mức mua sắm trang thiết bị hàng năm, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế của các khoa, phòng; căn cứ nội dung đề xuất, tham mưu của Phòng vật tư thiết bị y tế, bộ phận trang thiết bị y tế và ý kiến Hội đồng khoa học tại Bệnh viện, để quyết định và chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng trang thiết bị y tế của đơn vị. Bệnh viện cũng luôn có đơn vị thứ ba tư vấn về hồ sơ thẩm định thầu. Do đó, các gói thầu của bệnh viện tuân thủ rất chặt chẽ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cho dù các gói thầu được ĐTQM tại Bệnh viện từng bị đặt vào nghi vấn “có hay không sai phạm trong đấu thầu”, nhưng PGS.TS Nguyễn Duy Ánh vẫn khẳng định ĐTQM là chủ trương đúng đắn của Nhà nước giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế. Ông mong rằng trong thời gian tới, hình thức đấu thầu này sẽ ngày càng trở nên phổ biến, đi vào cuộc sống, tạo ra “ánh sáng” minh bạch cho các dự án đầu tư công.

Nguồn L. Thủy – N. Hạnh/TTV24

Có thể bạn quan tâm